Theo suy nghĩ của nhiều người, học nghề bây giờ không chỉ để chuyển đổi ngành nghề mà còn là cách để áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của chính gia đình mình. Chị Lê Thị Thanh (xã Khánh Mậu) cho biết: Từ khi huyện triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, tôi được học nghề may miễn phí tại doanh nghiệp . Trong quá trình học, tôi còn được hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại, có thu nhập thêm từ sản phẩm học nghề. Học xong, được nhận vào làm, thu nhập hàng tháng trên 1 triệu đồng nên không nghĩ đến việc lên Hà Nội làm thuê kiếm sống nữa. Giờ có nghề trong tay, cuộc sống gia đình tôi không khó khăn như trước nữa...
Cũng như chị Thanh, năm 2010 huyện Yên Khánh có trên 1.000 lao động nông thôn được học nghề miễn phí từ Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Hàng năm, công tác dạy nghề được triển khai thường xuyên tại huyện theo các chương trình mục tiêu Quốc gia về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo. Tuy nhiên do kinh phí thấp, cộng với nhiều tác động khách quan nên trước đây, công tác dạy nghề chưa trúng, chưa đúng với nhu cầu của lao động nông thôn, vì thế hiệu quả dạy nghề chưa cao, số lao động theo nghề chưa đông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhất là từ năm 2010, khi triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo sát sao việc tiến hành điều tra nhu cầu, nguyện vọng học nghề, trình độ của người lao động ở từng địa bàn thôn, xóm trước khi triển khai việc dạy nghề. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng kế hoạch, tập trung vào mục tiêu dạy nghề phải gắn với tạo việc làm. Cùng với việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người học, huyện tiến hành điều tra tình hình sử dụng lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Sau khi tiếp nhận chỉ tiêu đào tạo của Đề án, Ban chỉ đạo của huyện tiến hành chắp nối giữa nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, từ đó mới quyết định mở lớp đào tạo.
Kết quả, trong tổng số trên 1.000 lao động được đào tạo nghề đan bèo bồng, nghề may xuất khẩu, nghề thêu ren, đến nay có trên 70% đã hoàn thành khóa học, trong số đó có gần 80% đã có việc làm, thu nhập ổn định từ 800 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng/tháng. Tại mỗi lớp học, đều có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc sau khóa học. Chính yếu tố này đã tạo tâm lý yên tâm cho người lao động học nghề, theo đó, chất lượng học nghề cũng được nâng cao.
Nét nổi bật trong thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ở Yên Khánh là trong phối hợp liên kết dạy nghề, huyện đề ra yêu cầu phải dạy nghề tại địa bàn để người học nghề đi lại thuận tiện, thời gian dạy nghề phải phù hợp với thời gian sinh hoạt, công việc của người lao động. Giáo trình, giáo án không nặng về lý thuyết mà tập trung vào thực hành và các kỹ năng lao động. Ưu tiên cơ sở đào tạo nghề theo phương pháp vừa học, vừa làm, học đến đâu làm đến đấy, có thể tạo ra thu nhập ngay trong thời gian học để kích thích người lao động hăng hái học nghề.
Từ các tiêu chí nêu trên mà dạy nghề lao động nông thôn ở Yên Khánh do 3 đơn vị dạy nghề cùng đảm nhận; các lớp học nghề được trải rộng trên khắp địa bàn huyện, thời gian học phù hợp nên được người học nghề đồng tình, tích cực tham gia.
Trong năm 2010, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 3.700 lao động. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn hơn 3 nghìn lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, trên 1 vạn lao động chưa có việc làm ổn định, toàn huyện mới có 28% lao động đã qua đào tạo nghề, chính vì vậy, việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020 trong những năm tới luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm thực hiện để góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bùi Diệu