Về Yên Khánh những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân, trên những cánh đồng rộng lớn, hàng trăm chiếc máy cày đang hối hả làm đất. Việc cơ giới hóa khâu làm đất đã góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên nhiều lần.
Anh Phạm Văn Phòng, xã viên HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc cho biết, chỉ với hơn 4 sào ruộng trước đây mỗi khi bước vào mùa vụ, ngoài việc huy động toàn bộ số lao động trong gia đình anh còn phải chạy đôn chạy đáo đổi công để làm đất cho kịp thời vụ. Nhưng từ hơn 2 năm nay, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 160 triệu đồng mua máy cày lớn phục vụ cho khâu làm đất, loại máy này có thể cày được ruộng lúa cắt hớt giúp tăng lượng mùn cho đất và tạo được tầng canh tác dày hơn, đặc biệt giúp rút ngắn thời gian làm đất, đảm bảo lịch thời vụ. Với loại máy này, bình quân mỗi vụ cày được trên 200 mẫu, với giá 65 nghìn đồng/sào nên chưa đến 2 năm gia đình anh đã thu hồi được vốn và hàng năm có thêm một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến chia sẻ: Hiện nay, HTX có 10 máy làm đất bảo đảm làm đất cho 100% diện tích gieo trồng. Để tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới vào sản xuất, ngay sau khi thu hoạch, HTX đứng ra nhận toàn bộ diện tích gieo cấy, thành lập tổ làm đất rồi phân gọn vùng cho các hộ có máy, trong đó ưu tiên các hộ có máy công suất lớn nhằm phát huy tối đa công suất máy. Theo tính toán của HTX, việc đưa những con "trâu máy" xuống đồng không chỉ giúp rút ngắn thời gian làm đất chỉ còn trong 8 đến 10 ngày, giảm được chi phí sản xuất, đảm bảo lịch thời vụ mà còn tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Theo đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, để khuyến khích người nông dân đưa cơ giới vào đồng ruộng, huyện đã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đưa các loại máy móc vào sản xuất. Nếu như trước đây bình quân mỗi hộ nông dân trên địa bàn huyện có từ 7-8 thửa ruộng, thì đến nay bình quân chỉ còn 4,5 thửa/hộ, thậm trí có địa phương chỉ còn từ 1-2 thửa/hộ. Yên Khánh còn tiến hành quy hoạch gọn vùng, gọn thửa với hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng hoàn chỉnh để phát triển các vùng chuyên canh có cùng thời gian gieo cấy và thu hoạch nhằm đưa cơ giới vào các khâu sản xuất. Huyện còn phát huy tốt vai trò định hướng sản xuất của các HTX nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải quyết các thủ tục hành chính, giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng, nhất là nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 3.694 máy nông cụ các loại, gồm 1.039 máy làm đất, 45 máy gặt, 294 máy vận chuyển, 465 máy tuốt, 13 máy gieo hạt, 35 máy phun thuốc sâu…, đảm bảo 100% khâu làm đất và 40-45% khâu thu hoạch được cơ giới hóa. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, tạo cơ hội để phát triển các mô hình kinh tế, các vùng chuyên canh thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, để tiếp tục đẩy mạnh việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, quy hoạch giao thông nội đồng. Trong đó, lấy 2 xã Khánh Thành, Khánh Nhạc và chọn mỗi xã một thôn làm điểm tiến hành dồn điển, đổi thửa gắn với quy hoạch gọn vùng, gọn thửa, phấn đấu đến cuối năm đạt bình quân 1 thửa/hộ.
Phát huy kết quả đã đạt được trong vụ sản xuất đông xuân 2012, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn với nhiều quy mô khác nhau phù hợp với điều kiện từng địa phương, đồng thời chủ động lựa chọn một bộ giống có năng suất, chất lượng cao giới thiệu cho người nông dân nhằm phát triển các vùng lúa chuyên canh sản xuất hàng hóa, phấn đấu đến năm 2013 tất cả các xã đều có mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Cùng với đó, Yên Khánh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là chương trình kiên cố hóa kênh mương, mở rộng đường giao thông nội đồng, đẩy mạnh liên kết "4 nhà", tạo điều kiện để người nông dân yên tâm sản xuất. Huyện dự kiến sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cánh đồng mẫu lớn, trong đó sẽ có cơ chế cụ thể để khuyến khích việc đưa cơ giới vào sản xuất.
Từ thực tế ở huyện Yên Khánh cho thấy, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp không chỉ giải bài toán về lao động, giảm chi phí, tăng hệ số sử dụng đất mà còn tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đó tạo tiền đề để xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp có sức cạnh tranh cao theo hướng giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân, tạo diện mạo nông thôn mới.
Quốc Khang