Được biết, Khánh Hải có tổng diện tích lúa mùa là trên 513 ha, trong đó ở HTX Vân Bòng 174 ha, HTX Đông Mai 189 ha, HTX Nhuận Hải 189 ha. Toàn xã đã hoàn tất khâu gieo cấy trước ngày 25/7 với 402 ha được thực hiện bằng biện pháp gieo vãi, 108 ha là lúa cấy. Khánh Hải cũng đã thực hiện xong việc cấy dặm tỉa, bón thúc về cơ bản đã hoàn tất khâu chăm sóc đợt 1 cho lúa mùa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt và đồng đều. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Vụ mùa 2018, Yên Khánh dự kiến gieo cấy 7.600 ha lúa với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần (LT2, Bắc thơm số 7, DQ11, QR1, Thơm RVT, Hoa ưu 109, TBR45, Nếp 97), chiếm 90% diện tích; giống lúa lai (Thục Hưng 6, Đại Dương 1) có 5%; giống lúa đặc sản (Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám, Dự) có 5% diện tích.
Về trà lúa, chủ yếu gieo cấy ở trà mùa sớm với khoảng 95% diện tích nhằm rút ngắn thời gian sản xuất vụ mùa và để có nguồn quỹ đất phát triển cây vụ đông.
Duy trì các khu đồng sản xuất lúa giống chất lượng cao ở các xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân.
Triển khai mở rộng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới nhằm chọn, tạo ra được những giống lúa có năng suất, chất lượng, thích ứng rộng để khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà trong các vụ tới.
Thực hiện chuyển đổi một số diện tích lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch và phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng vùng.
Tổng diện tích lúa dự kiến chuyển đổi khoảng 69,53 ha với: 20,5 ha ở Khánh Hòa sang trồng ngô ngọt và rau; 6,3 ha ở Khánh Tiên sang nuôi trồng tủy sản; 0,73 ha ở Khánh Lợi sang nuôi thủy sản; 2 ha ở Khánh Cường sang trồng rau và nuôi thủy sản; 5 ha ở Khánh Công sang trồng chuối, rau, cà chua; 20 ha ở Khánh Hồng sang trồng sen; 15 ha ở Khánh Hải sang trồng lê và dưa vàng. Với diện tích lúa cấy, ở vùng có thể làm vụ đông gieo mạ xong trước ngày 10/6 và cấy xong trước ngày 30/6; diện tích còn lại cấy xong trước ngày 15/7.
Diện tích gieo thẳng bố trí tập trung, gọn vùng, chủ động được tưới tiêu, phải được phun thuốc trừ cỏ, rầy, bệnh lùn sọc đen và hoàn thành xong trước ngày 10/7; trà mùa muộn, cấy xong trước ngày 15/7. Do vụ mùa năm nay có những biến động bất thường và ngay từ đầu vụ mưa lớn đã xảy ra liên tiếp gây ngập úng ở vùng trũng ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa; một số diện tích phải gieo cấy lại lần 2, dẫn đến nhiều cánh đồng lúa không cùng trà, cùng giống.
Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp vận động bà con nông dân, ngay sau khi gieo cấy xong tiến hành diệt ốc bươu vàng, bón phân và tỉa dặm đảm bảo mật độ trên diện tích; những diện tích bị mất từ 50-70% có thể gieo cấy lại và đến ngày 26/7 về cơ bản toàn huyện đã hoàn tất khâu sản xuất này với tổng diện tích lúa gieo cấy được là 7.600 ha, trong đó có 6.907 ha là gieo thẳng, còn lại là lúa cấy.
Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các địa phương chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa; điều tiết nước hợp lý giữa các vùng, tạo điều kiện cho lúa mới cấy sinh trưởng tốt, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng dịch hại và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả và thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng", đặc biệt chú ý đến các đối tượng gây hại trong vụ là bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn và bệnh lùn sọc đen Phương Nam.
Đinh Chúc