Bên thửa ruộng ven đường thuộc cánh đồng Trừ, chị Hoàng Thị Mây, xã viên HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) vừa vãi phân đón đòng cho lúa vừa cho chúng tôi biết: Vụ mùa năm nay thời tiết, khí hậu không được thuận lợi, nên lúa sinh trưởng, phát triển không đều và hiện còn bị sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu phá hoại với quy mô và mức độ khá cao. Gia đình tôi có 7 sào lúa gieo vãi, mấy ngày nay tranh thủ thời tiết nắng ấm đã phun thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ở tỉnh và huyện.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Diện tích cây trồng vụ mùa toàn huyện là 8.203.2 ha, trong đó có 7.716,9 ha lúa với 6.306,9 ha là gieo thẳng, chiếm 81,7%; diện tích lúa cấy có 1.410,3 ha, chiếm 18,3%.
Các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu trà lúa, giống lúa theo hướng tăng diện tích lúa mùa sớm lên 80% tổng diện tích lúa gieo cấy và cấy bằng các giống lúa hàng hóa chủ lực là LT2, BTS7, BC15... phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có khả năng thu hoạch sớm, giải phóng đất trồng đậu tương, bí xanh vụ đông.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn trỗ bông, phơi màu với 1.800 ha lúa đã trỗ bông trước ngày 10/9; 4.400 ha lúa sẽ trỗ bông trước ngày 20/9 và 1.146 ha sẽ trỗ bông trước ngày 25/9.
Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng của cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm bảo vệ thực vật huyện và thông báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, ở các xã Khánh Nhạc, Khánh Trung, Khánh Tiên, Khánh Hải, Khánh An… đã có một số đối tượng sâu bệnh đã và đang phát triển, gây hại cho lúa mùa như: Rầy trưởng thành lứa 6 đã gây hại rộng trên các trà lúa; bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 đang ra rộ với mật độ phổ biến từ 0,5 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; sâu non đang nở rộ với mật độ cao 15-20 con/m2.
Trong thời gian tới, sâu non, sâu cuốn lá nhỏ nở rộ trong khoảng thời gian từ ngày 8-21/9 và gây hại rộng trên các trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sau này.
Ngoài ra, bướm sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 5 tiếp tục ra, sâu non nở rộ và gây hại trên các trà lúa trỗ từ nay đến cuối tháng 9; bệnh lùn sọc đen phương Nam, khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn... gây hại tăng cho các trà lúa.
Yên Khánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh cuối vụ cho lúa mùa. Các tổ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đánh giá đúng tình hình sâu bệnh của đơn vị để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, xác định đúng đối tượng sâu bệnh gây hại, khoanh vùng những diện tích đến ngưỡng phải phòng trừ, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Đối với rầy lứa 7, phát hiện và phun trừ kịp thời khi rầy ở tuổi 2, thời gian phun từ ngày 17-22/9.
Trên trà mùa sớm ở những ruộng có mật độ rầy trên 1.500 con/m2, phun trừ bằng một trong các loại thuốc tiếp xúc sau: Penaty gol 50EC, Victory 585EC, Bonus Gold 40EC, Bassa 50EC...Trên trà mùa trung, mùa muộn những ruộng có mật độ rầy lớn hơn 2.000 con/m2 phun trừ bằng một trong các loại thuốc nội hấp sau: Penaltyl 40WP, Sutin 5EC, 50SC, Midan 10WP, Chersieu 50EC, Chess 50WG.... Chú ý khi sử dụng thuốc trừ rầy tiếp xúc nhất thiết phải rẽ hàng lúa để phun nhằm đưa thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy và cần lựa chọn các loại thuốc để đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
Với sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu non lớn hơn 20 con/m2 và khi sâu non ở tuổi 2; thời gian phun từ ngày 13-18/9 bằng các loại thuốc có hoạt chất: Fipronil, Indoxacarb, Abamectin, Emamectin. Những ruộng có mật độ sâu cao hơn 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ kép với lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Với sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 5, những ruộng có mật độ ổ trứng trên 3 ổ/m2 thì tiến hành phun thuốc khi sâu non ở tuổi 1 hoặc 2 ra rộ; thời gian phun từ nay đến ngày 20/9 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau: Prevathon 5SC, Voliam Targo 063SC, Tansodant 600EC, Bonus Gold 50EC, Victory 585EC, Virtako 40WG... Những ruộng có mật độ ổ trứng lớn hơn 1ổ/m2 thì phải phun kép 2 lần với lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện khóm, cây bị bệnh thì nhổ vùi cây bệnh; khoanh vùng phun thuốc trừ rầy - môi giới truyền bệnh nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh trên đồng ruộng.
Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, từ nay đến khi thu hoạch trà lúa mùa sớm và mùa trung còn khoảng 25-35 ngày. Các đối tượng dịch hại như: Rầy nâu, sâu đục thân lúa 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ sẽ còn gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa trỗ muộn sau ngày 25/9, các giống lúa mùa muộn, lúa nếp, lúa gieo muộn do bị ngập lụt trước đó cần nắm chắc tình hình thời tiết khí hậu, diễn biến trên đồng ruộng...nếu chưa đến "ngưỡng" thì không cần thiết phải phun thuốc trừ nhằm đảm bảo an toàn cho nông sản và bảo vệ môi trường.
Đinh Chúc