Những năm gần đây, việc chăn nuôi được người dân trong xã chú trọng như đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Thời điểm năm 2007 - 2008, nhiều hộ dân đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng hệ thống lán trại chăn nuôi lợn với quy mô trên 100 con, phát triển đàn dê và chăn thả trâu bò số lượng hàng chục con mỗi đàn.
Một số hộ ở khu vực HTX Yên Tế, xóm Dân Mới của HTX Thống Nhất và HTX Nam Khê đã mạnh dạn đào đắp bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp sang mô hình lúa + cá, chăn nuôi gà, lợn, vịt… nâng hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập cao gấp 2 - 3 lần cấy lúa, trung bình đạt 80 - 100 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, trong năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo chương trình giảm nghèo của Tỉnh ủy, Yên Đồng đã thực hiện chăn nuôi thành công trên 5.600 con gà an toàn sinh học, cho năng suất, giá trị cao, góp phần nâng thu nhập của nhân dân.
Từ thành công đó, đến nay hầu hết các hộ dân đều áp dụng hình thức chăn nuôi theo mô hình VAC kết hợp tại gia đình, vừa tận dụng được diện tích, tranh thủ được thời gian, tiết kiệm được chi phí cho thu nhập khá cao. Nhờ vậy, hàng năm, đàn gia súc, gia cầm của xã không ngừng được nhân rộng, giá trị thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 6 tỷ đồng.
Đặc trưng của Yên Đồng là vùng đồng chiêm trũng, diện tích mặt nước (ao, hồ) nhiều nên nông dân trong xã đã tranh thủ điều kiện này để phát triển đàn vịt ở cả 2 hình thức là nuôi lấy trứng và lấy thịt cung cấp cho thị trường. Có trên 100 hộ dân ở các thôn xóm phát triển quy mô đàn vịt từ vài trăm đến hàng nghìn con mỗi đàn. Để đảm bảo cho người dân yên tâm phát triển chăn nuôi, xã đã quan tâm tổ chức tiêm phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thường xuyên hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc, vệ sinh lán trại…
Tuy nhiên, việc chăn nuôi ở Yên Đồng cũng gặp không ít khó khăn như dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh. Năm 2005, dịch cúm gia cầm đã làm cho trên 4.000 con gia cầm (chủ yếu là vịt) của xã bị chết và phải tiêu hủy, người dân bị thiệt hại lớn, nhất là 3 xóm Khê Trung, Khê Thượng, Khê Hạ. Năm 2008, dịch bệnh tai xanh làm cho người nuôi lợn ở xã Yên Đồng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, do giá thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng cao, trong khi giá bán gia súc, gia cầm thương phẩm giảm xuống đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm ở địa phương. Nhiều gia trại có quy mô từ 100 - 150 con lợn của một số hộ dân trong xã (như của gia đình anh Lê Quang Hiển, Đào Xuân Lĩnh ở xóm Mới) hiện đang để không. Mong muốn của người dân Yên Đồng là được tiếp cận với các nguồn vốn vay, được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… để phát triển đàn gia súc, gia cầm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm