Cách đây 3 năm, gia đình bà Nguyễn Thị út, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) nhận tin dữ khi ông Nguyễn Văn Bẩy, chồng bà không may mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Biết mình khó qua khỏi, ông Bẩy đã tình nguyện viết đơn xin hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người không may bị các dị tật về mắt. Thực hiện di nguyện của ông, khi ông mất, bà út và các con đã mời các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương về tiếp nhận đôi giác mạc hiến tặng, với mong muốn thêm một người mù lòa, bị bệnh về mắt được nhìn thấy ánh sáng, có cuộc sống ý nghĩa hơn.
Việc hiến tặng giác mạc của ông Bẩy và nhiều người khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp cho nhiều người nhìn thấy ánh sáng, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho họ, trong đó có bà Lê Thị Bưởi, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình). Cuộc sống của bà Bưởi đang yên đang lành bỗng dưng gặp "nạn" khi bà bị bệnh viêm đầu thống, từ đó 2 mắt bị mờ và dần không nhìn thấy gì nữa. Hơn 2 năm sống trong bóng tối, cuộc sống bị đảo lộn, bà cảm thấy rất bức bối, khó chịu, cơ thể mệt mỏi, gầy ốm, nhiều lúc bi quan, chán nản.
Năm 2014, bà Bưởi may mắn được ghép thành công giác mạc, đôi mắt của bà trở về bình thường như trước. "Cuộc sống của tôi như được hồi sinh, không chỉ tôi mà cả gia đình, người thân đều hạnh phúc, vui vẻ. Đây là món quà vô giá mà tôi nhận được, xin được tri ân và cảm tạ tấm lòng của một người nào đó đã ra đi và giờ đây đem lại cho tôi một cuộc sống ý nghĩa… Giờ đây tôi có thể làm những việc mình yêu thích, chăm sóc gia đình, vui vầy bên con cháu…" - Bà Bưởi chia sẻ đầy cảm động.
Theo số liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nước ta có hơn 300 nghìn người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm khoảng 15 nghìn người. Nguyên nhân là do viêm loét, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt... Hiện Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đang lưu giữ khoảng 40 nghìn phiếu đăng ký hiến giác mạc trong khắp cả nước.
Trong đó riêng tỉnh Ninh Bình có gần 15 nghìn người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời và hiện đã có gần 300 ca hiến giác mạc thành công trong tổng số trên 400 ca của toàn quốc, đem lại ánh sáng cho 600 người không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.
Phong trào đăng ký và hiến tặng giác mạc ở tỉnh ta được lan tỏa sâu rộng, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số ca đăng ký và đã hiến giác mạc. Cùng với hiến tặng giác mạc, ở tỉnh Ninh Bình vừa qua đã có trường hợp đầu tiên thực hiện việc hiến cả mô, tạng. Đó là Thiếu tá Lê Hải Ninh, công tác tại Quân đoàn I, thành phố Tam Điệp. Ca ghép được thực hiện cho 6 người, gồm 1 người được nhận phổi, 2 người nhận thận, 1 người nhận tim, 2 người được nhận giác mạc.
Hiện cả 6 người được nhận mô, tạng đều được theo dõi và phục hồi sức khỏe khá tốt. Với nghĩa cử cao đẹp đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức trọng thể lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình anh - người đã hiến tạng góp phần cứu sống 6 người bệnh.
Bác sỹ Vũ Văn Huấn, Trưởng khoa Lọc máu, chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ngoài giác mạc thì trong cơ thể con người còn có các bộ phận như tim, gan, phổi, thận… Các bộ phận này khi bị tổn thương không thể điều trị khỏi thì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng, hiệu quả cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối, bằng cách lấy tạng của người hiến phù hợp để ghép cho người bệnh. Tại khoa Lọc máu, chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, hiện đang có trên 200 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có những bệnh nhân điều trị lọc máu, chạy thận nhân tạo hơn 10 năm nay.
Để có thể duy trì sự sống thì cứ 2-3 ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu 1 lần và chi phí trung bình một năm vào khoảng 100 triệu đồng. Và mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường.
Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh và bước đầu mang lại hiệu quả, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Rất nhiều người đều hiểu và biết rõ, hiến mô, tạng là hành động cứu người, song không dễ dàng gì thực hiện được, bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải chết toàn thây… Vì những trở ngại đó mà đến nay, cả nước mới chỉ có 27 người hiến mô, tạng khi bị chết não.
Trong khi cả nước đang có trên 1,5 nghìn người được chỉ định ghép gan, khoảng 6 nghìn người bị suy thận cần ghép, hàng trăm nghìn người mù cần ghép giác mạc để nhìn thấy ánh sáng… Số người tình nguyện hiến mô, tạng còn rất khiêm tốn, trong khi nhiều người bệnh đang khao khát sống phải chờ mòn mỏi và ra đi do không có nguồn tạng để ghép.
Đạo Phật dăn dạy: "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa hay cứu một mạng người hơn xây bẩy tòa tháp". Mạng người là rất quý, nhưng một khi không thể duy trì được sự sống thì hiến tạng cho người còn sống quý hơn muôn vạn lần, lúc này việc hiến mô, tạng không chỉ cứu được một mạng người mà có thể nhiều mạng người.
Vì vậy, việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay. Lúc này, sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự "cho đi là còn mãi" của họ trở thành tấm gương, động lực để những người sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội.
Mỹ Hạnh