Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
| Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã xác định: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 15.000 tỷ đồng /năm, trong đó kế hoạch năm 2011 vốn đầu tư toàn xã hội là 17.000 tỷ đồng. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì đây là một chỉ tiêu quan trọng. Qua tổng kết, nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế của 5 con rồng châu á tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài do vốn đầu tư phát triển tăng liên tục và chiếm khoảng 30% GDP. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số nhóm giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015. |
Thứ nhất, huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2010 - 2015, vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh cần huy động khoảng 30% so với tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn (tương đương 22.500 tỷ đồng). Để huy động được nguồn vốn này, cần khai thác triệt để các nguồn thu, tăng thu ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2010 - 2015 từ 35 - 40% tổng chi cân đối ngân sách địa phương. Vốn ngân sách Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong các công trình phúc lợi xã hội, kết cấu hạ tầng quan trọng nhằm tạo ra các lợi thế để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Sở sẽ bám sát các nhu cầu đầu tư của tỉnh, các chủ trương, chương trình, nội dung đầu tư của Trung ương hằng năm để chủ động xây dựng các danh mục dự án tranh thủ vốn từ Trung ương qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ...
Thứ hai, huy động nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước. Vốn tín dụng trong giai đoạn 2010 - 2015 cần huy động khoảng 7,5% so với tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn (tương đương 5.625 tỷ đồng). Vì vậy, nguồn vốn này được huy động thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng phát triển Ninh Bình.
Thứ ba, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước. Vốn tự có của các doanh nghiệp để tái đầu tư trong giai đoạn này cần huy động khoảng 1,5% so với tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn (tương đương 1.125 tỷ đồng). Các giải pháp để huy động nguồn vốn này là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động để tăng tích lũy, tham gia vào đầu tư phát triển theo định hướng chung của tỉnh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế tạo nguồn vốn lớn xây dựng các dự án có quy mô, đổi mới thiết bị, đảm bảo dự án có hiệu quả để vay vốn tín dụng đầu tư, vay vốn trung và dài hạn của ngân hàng.
Thứ tư, huy động nguồn vốn dân cư và doanh nghiệp tư nhân. Đây là nguồn lực chính để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Để huy động nguồn vốn dân cư và doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này cần khoảng 46% so với tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn (tương đương 34.500 tỷ đồng), tỉnh cần có cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn vốn trong dân cư và các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao một bước năng lực cạnh tranh. Tăng tỷ lệ xã hội hóa trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư phát triển. Tạo ra các yếu tố đầu vào thuận lợi cho doanh nghiệp như: mặt bằng sản xuất, các điều kiện sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá đầu tư vào tỉnh.
Thứ năm, huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đó là tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn của các tổ chức phi Chính phủ (NGO). Trong giai đoạn 2010- 2015, vốn đầu tư nước ngoài cần huy động khoảng 15% so với tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn (tương đương 11.250 tỷ đồng). Bên cạnh thu hút nguồn vốn FDI trên lĩnh vực kinh tế, cần huy động nguồn vốn ODA, NGO để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gồm các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, giảm nghèo...
Hoàng Văn Vịnh (TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư )
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
| Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển năm 2010 và những năm tiếp theo, huyện Kim Sơn đặt ra mục tiêu chung là: Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, huy động các nguồn lực để làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu đa dạng, hiện đại, tạo tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Kết hợp phát triển vùng biển, vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng CNH -HĐH. Trong năm 2010, tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 4.000 tấn, trong đó: tôm sú 500 tấn, tôm rảo 350 tấn, cua biển 350 tấn, ngao 1.500 tấn, cá và các loại hải sản khác đạt 1.300 tấn. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Kim Sơn đã và đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp: |
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Chính phủ về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần đem lại hiệu quả ngày càng cao đối với phát triển kinh tế vùng biển. Tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế biển từ thị trấn Bình Minh tới cồn Mờ, cồn Nổi. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành các quy hoạch chi tiết, trước hết là quy hoạch các tiểu vùng nuôi trồng thủy sản từ hệ thống đường giao thông, hệ thống điện đến quy hoạch chi tiết sử dụng đất. Đồng thời xây dựng các dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, nhất là quản lý đất đai, bảo vệ rừng và môi trường. Khuyến khích đầu tư thúc đẩy các dự án, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy, hải sản xa bờ nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh thi công các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước mắt là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản như: các dự án nâng cấp đê Bình Minh II; dự án hàn khẩu, nâng cấp đê Bình Minh 3; dự án đường giao thông 6 xã bãi ngang, dự án đường ĐT481; dự án nạo vét cửa sông Đáy. Và hướng đầu tư các tuyến đường giao thông vùng ven biển phục vụ quốc phòng - an ninh, phòng chống lụt bão vùng trọng điểm ven biển. Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế ven biển, nhất là ngư dân ven biển như: trồng rừng, khai thác nuôi trồng thủy sản với thời gian giao đất ổn định ít nhất là 5 năm. Tăng cường các hoạt động khuyến lâm, khuyến ngư, có chính sách khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.
Lê Thị Hoa (Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn)
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã
| Xây dựng hệ thống y tế của tỉnh từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; đảm bảo cho mọi người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 và những năm tiếp theo của ngành Y tế. Để thực hiện mục tiêu này, Ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến cơ sở, xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu và được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày một tốt hơn. |
Với phương châm hướng về cơ sở, trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, Chương trình xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã đã thu được kết quả: đến năm 2010, toàn tỉnh có 126/146 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, chiếm 86,3%. Còn 20 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế là những đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp không đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, nguồn nhân lực y tế tuyến xã yếu, cơ cấu chưa phù hợp.
Phấn đấu đến năm 2015 có 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế (theo chuẩn giai đoạn 2001 - 2010), một số giải pháp cụ thể cần được triển khai thực hiện tốt là: Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 06 - CT/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các văn bản của Bộ Y tế và của tỉnh về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường nguồn nhân lực cho trạm y tế đảm bảo đủ số lượng và cơ cấu theo quy định; ưu tiên, tạo điều kiện cho những bác sỹ có năng lực, sức khỏe đang công tác tại xã đi đào tạo liên thông bác sỹ, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng đi đôi với việc kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế tại các trạm y tế và nhân viên y tế thôn, bản. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế tuyến xã, ưu tiên đối với những xã chưa đạt chuẩn, những nơi trạm y tế đã xuống cấp không đủ tiêu chí về cơ sở vật chất. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã nơi có xã chưa đạt chuẩn để tạo điều kiện bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác xây dựng, kết hợp với vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ... Đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp đối với Chương trình xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, quản lý của UBND cấp xã trong việc triển khai thực hiện 10 chuẩn Quốc gia về y tế theo Quyết định 390/2002/QĐ - BYT của Bộ Y tế; triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, từng bước xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tống Quang Thìn (TUV, Giám đốc Sở Y tế)