♦ Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,05% thể hiện sự nỗ lực lớn
Đồng chí Nguyễn Chí Tình
Năm 2012, trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi, trong nước thì hoạt động đầu tư giảm sút, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, khó khăn về vốn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, sức mua giảm mạnh. Những khó khăn, thách thức đó đã tác động mạnh đến sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh dẫn đến GDP chỉ tăng 11,05%. Nguyên nhân chính làm cho GDP không đạt kế hoạch đó là sự giảm sút sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh của các sản phẩm chủ lực có giá trị sản xuất cao của khu vực công nghiệp như: Thép cán, xi măng, phân đạm. lắp ráp ô tô. Lĩnh vực dịch vụ cũng thấp hơn kế hoạch 1,2% do ngân sách giảm, tăng trưởng tín dụng giảm. Riêng lĩnh vực nông nghiệp thì hoàn thành kế hoạch đề ra.
Từ việc giảm sút năng lực sản xuất, hàng hóa khó tiêu thụ dẫn đến GDP không đạt kế hoạch đề ra và kéo theo cơ cấu kinh tế, GDP/đầu người cũng không đạt kế hoạch. Tuy không đạt so với kế hoạch, song GDP 11,05% là mức tăng trưởng gần như cao nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng và gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế, năm qua, chúng ta cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%.
Năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo đã cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Năm 2013 được dự báo là kinh tế thế giới và trong nước sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều thuận lợi hơn năm 2012, tuy vậy vần tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây khó khăn, thách thức nhất định. Năm 2013, tỉnh ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 13%, đây là chỉ tiêu phấn đấu cao, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
♦ Đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc Sở NN&PTNT: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định
Đồng chí Trần Văn Bách
Tuy gặp khó khăn do thời tiết rét đậm đầu vụ, xuất hiện dịch cúm gia cầm ở 1 số địa phương, mưa bão ảnh hưởng đến cây trồng và nuôi trồng thủy sản song sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục ổn định. Diện tích lúa đạt gần 81,2 nghìn ha, tăng 0,5% so với năm 2011; diện tích cây mầu đạt trên 9,9 nghìn ha, tăng 10,2% so với năm 2011. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 51,1 vạn tấn, vượt 3,1 vạn tấn so với kế hoạch cả năm.
Từ thực tiễn cho thấy chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển lúa chất lượng cao đã phát huy hiệu quả, sản xuất lúa theo hướng cánh đồng mẫu lớn, diện tích được mở rộng gần 34 nghìn ha, nâng cao giá trị thương mại và tạo được thương hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng cao… Bên cạnh đó các công trình thủy lợi được quan tâm cải tạo, nâng cấp, sớm phát huy công năng, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đảm bảo nhiệm vụ chống bão lụt.
Chăn nuôi vẫn duy trì ổn định về tổng đàn và nâng cao giá trị vật nuôi. Mô hình chăn nuôi con nuôi đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao như nhím, hươu, ba ba… được duy trì. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 10 nghìn ha, sản lượng ước đạt 32,2 nghìn tấn, tăng 14,2%.
Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục duy trì ổn định diện tích lúa, diện tích sản xuất vụ đông; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 40% diện tích. Triển khai có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất như khu trang trại tổng hợp chất lượng cao; phát triển cánh đồng mẫu sản xuất hàng hóa quy mô lớn; vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao; vùng chuyên canh sản xuất rau quả an toàn; chăn nuôi đại gia súc; chú trọng phát triển giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm theo quy hoạch tổng thể phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản đã được phê duyệt. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu nuôi trồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Xây dựng đề án nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn. Tăng cường xây dựng hạ tầng thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
♦ Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Đồng chí Phạm Thị Hồng
Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng mạnh. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 450 triệu USD, tăng 66,4% so với năm 2011. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, giày dép và nông sản thực phẩm.
Để có được kết quả đó cùng với sự cố gắng của các doanh nghiệp phải kể đến hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 5/7/2010 của UBND tỉnh về phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015. Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt 17 hoạt động xúc tiến thương mại với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 2.000 triệu đồng. Việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó tỉnh đã cụ thể hóa các quy định, các chính sách để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất, chế biến các mặt hàng địa phương có thế mạnh, tiềm năng lớn và tham gia trực tiếp xuất khẩu, ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại và để chính sách của tỉnh phù hợp với các quy định về xúc tiến thương mại theo Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh xem xét, thông qua tờ trình của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Đề án số 05. Tỉnh cũng đề ra những giải pháp cụ thể trong đó tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến thông tin về thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các làng nghề truyền thống cùng sự phát triển của ngành Du lịch Ninh Bình nhằm thu hút, khai thác kim ngạch xuất khẩu tại chỗ…
Cùng với đó các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt một số nội dung như: tuyên truyền sâu rộng về các cơ chế, chính sách về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của tỉnh đến các tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu về đất đai, mặt bằng sản xuất, giảm lãi suất vay vốn.
♦ Đồng chí Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7% có tính khả thi cao
Đồng chí Nguyễn Phong Phú
Tiếp tục triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án 15/ĐA-UBND về công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội, trong năm 2012, công tác giảm nghèo của tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. Trong năm đã giảm được trên 4.800 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 8%, vượt 1,3% so với kế hoạch, giảm 2,23% so với năm 2011; thực hiện tốt việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Đặc biệt, trong năm 2012, tỉnh ta đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Nhiều tổ chức kinh tế đã ủng hộ cho người nghèo như tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp gần 3.000 con bê, nghé giống và xây dựng 135 căn nhà tình nghĩa; Ngân hàng Công thương hỗ trợ xây dựng 131 căn nhà; Ngân hàng Liên Việt hỗ trợ xây dựng 50 nhà; Tập đoàn Xuân Thành hỗ trợ xây dựng 150 nhà.
Mục tiêu năm 2013, tỉnh ta phấn đấu giảm còn 7% hộ nghèo, đây là chỉ tiêu có tỉnh khả thi cao vì trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải nỗ lực hơn nữa trong đầu tư các nguồn lực cho giảm nghèo, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đồng thời phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo. Đối với các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được tiêu chí đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%.
Nhóm PV