Đối với các bệnh viện, khi triển khai thực hiện Thông tư 37 đã chủ động khắc phục mọi khó khăn để không ảnh hưởng đến bệnh nhân, đặc biệt là đối với những người bệnh có thẻ BHYT. Về phía các bệnh nhân, họ kỳ vọng cùng với tăng giá viện phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao thái độ, ứng xử của đội ngũ cán bộ ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tăng giá dịch vụ cần đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ
Những ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, có mặt tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, đa số người dân đến khám, chữa bệnh đã nắm được sự thay đổi này nên không bất ngờ, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình giá các dịch vụ y tế tăng khá cao, vào khoảng 30%, với mức tăng từ 2-7 lần.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Vũ Văn Lạng, xã Yên Bằng, huyện ý Yên (Nam Định) bị bệnh cao huyết áp, nên phải khám định kỳ hàng tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng ông đã nắm được những quy định mới của Thông tư 37 liên Bộ Y tế và Tài chính.
Song, theo ông Lạng, cùng với tăng giá dịch vụ y tế, điều mà người dân nói chung, người đến khám, chữa bệnh nói riêng mong chờ chính là chất lượng khám, chữa bệnh cần phải được tăng theo. Bởi như hiện nay, chưa nói đến chất lượng khám, chữa bệnh, các thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện nhiều, bệnh nhân vẫn phải chờ đợi lâu. Như bản thân ông, đến ngày đi khám định kỳ luôn phải đi từ 5h sáng để 6h lấy số vào khám trước. Khâu xếp số và chờ đến lượt khám cũng tốn khá nhiều thời gian...
Bệnh nhân Nguyễn Thế Cường, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Là bệnh nhân thường xuyên đến đây điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tôi rất mong các dịch vụ y tế tăng thì chất lượng phục vụ cũng phải tăng theo; đồng thời mong muốn đội ngũ y, bác sỹ tiếp tục nâng cao trình độ, thái độ phục vụ, và đặc biệt trang thiết bị y tế cần phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.
Cùng suy nghĩ như ông Lạng, ông Cường, khi được hỏi, nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đều mong muốn, các thủ tục hành chính cần được rút gọn hơn nữa, chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ của đội ngũ y, bác sỹ phục vụ cần được nâng cao hơn nữa… để thuận tiện và tạo sự thoải mái hơn cho người dân trong quá trình đến khám và điều trị bệnh.
Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của Ninh Bình đạt 70,1%, thấp hơn so với trung bình của cả nước là 75%. Việc điều chỉnh giá của gần 1.900 dịch vụ y tế tăng bình quân khoảng 30% sẽ chỉ áp dụng với đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT.
Theo tính toán, mức chênh lệch giữa khoản phí người bệnh phải trả theo giá mới không chênh lệch quá cao so với giá cũ. Tuy nhiên, với các mức đóng chi trả khác nhau, người bệnh sẽ phải chịu mức tăng khác nhau. Do vậy, mức độ ảnh hưởng của việc tăng viện phí tới từng đối tượng cũng sẽ khác biệt.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, thực hiện việc áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở y tế trực thuộc đã công khai in bảng giá dịch vụ, thông tin cho người bệnh, đồng thời diễn giải giá dịch vụ y tế để mọi người dễ hiểu và thực hiện. Đặc biệt, một số cơ sở y tế đã chuẩn bị tốt việc công khai bằng bảng điện tử, bảng viết mica, tại các nơi thanh toán viện phí đều được thực hiện tính phần mềm bảng giá mới…
Từ góc nhìn của nhà quản lý, tăng giá dịch vụ y tế cùng với việc tính đúng, tính đủ chi phí điều trị sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT. Nếu tham gia BHYT thì dù viện phí tăng như thế nào, người dân cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều; chỉ đối với người không có BHYT sẽ phải chịu một gánh nặng lớn. Còn về phía bệnh viện, ngoài nỗ lực giảm tải, các bệnh viện sẽ phải áp lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị.
Tác động đối với các cơ sở khám, chữa bệnh
Thông tư 37 liên Bộ Y tế và Tài chính quy định phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán từ BHYT thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá cụ thể thực hiện theo quy định tại Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan và chỉ điều chỉnh mức giá đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Theo đó, có thể hiểu, khi áp dụng Thông tư 37, người bệnh có BHYT sẽ được hưởng lợi nhiều hơn là tác động xấu. Bởi khi tăng giá dịch vụ, các bệnh viện sẽ có nguồn ngân sách để đầu tư thêm máy móc, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư chuyên môn, nghiệp vụ sâu, thay đổi phong cách phục vụ. Như vậy là tăng giá dịch vụ y tế sẽ tác động lên tất cả các mặt, tất cả đều phải điều chỉnh để mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động y tế, hướng tới sự hài lòng cho người bệnh.
Bác sỹ Dương Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Thực hiện tăng giá dịch vụ y tế đối với Bệnh viện Tâm thần là một điều rất khó khăn, bởi Bệnh viện không phải là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu mà hầu hết là bệnh nhân được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác. Những điều này làm chúng tôi rất trăn trở, nhưng xác định rõ, cùng với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cần cải cách quy trình thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho người dân.
Thực tế hiện nay, tại các bệnh viện - những đơn vị triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 37 bắt đầu bộc lộ những bấp cập, khó khăn. Cụ thể như, tại quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc thanh toán viện phí có khác hơn so với trước đây. Trước đây, chỉ một thao tác máy tính là đã lên khung giá viện phí cho từng bệnh nhân. Song từ ngày 1-3, khi áp dụng thực hiện tăng giá các dịch vụ y tế thì việc thanh toán lại được thực hiện theo các bước sàng lọc từng đối tượng.
Với các bệnh nhân không có BHYT thì vẫn áp dụng giá cũ, còn với các bệnh nhân có thẻ BHYT nội trú vào viện trước 1 - 3 thì áp giá cũ, từ 1-3 thì tính giá mới dẫn đến các thủ tục hành chính, người triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.
Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện, đối với các bệnh viện cũng gặp phải không ít bất cập như: Danh mục kỹ thuật của Thông tư 37 chưa tương đương với danh mục kỹ thuật của Thông tư 43 cũng do Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, Thông tư 37 có gần 1.900 kỹ thuật, nhưng chỉ có vài trăm kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật của Thông tư 43, mà BHYT sẽ chỉ thanh toán theo các danh mục đã được Bộ Y tế quy định.
Như vậy, còn một khoảng trống rất lớn các danh mục chưa khớp giữa 2 Thông tư sẽ không được BHYT thanh toán… Chính sự không thống nhất tên gọi trong danh mục kỹ thuật, hay Thông tư này quy định có kỹ thuật này, còn Thông tư kia lại không, khiến việc triển khai phần mềm của các bệnh viện gặp khó, vì chỉ sai một từ cũng không hiện ra kỹ thuật cần tìm.
Do đó, các Thông tư cần bổ sung nhau, để có danh mục chuẩn thì hệ thống phần mềm của các bệnh viện mới hoạt động nhanh chóng, chính xác được.
Như vậy, với sự điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 1-3 đã có tác động nhất định đối với những bệnh nhân có BHYT, nhưng tiến tới, theo lộ trình, việc điều chỉnh viện phí sẽ được áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng.
Trước thực tế đó, ngành BHXH, Y tế và các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân đều tham gia mua BHYT, để được chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân n
Mỹ Hạnh