Được biết, ông Hải là một trong những hội viên đầu tiên đăng ký phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với trăn trở: làm thế nào để những hoạt động này có hiệu quả và ý nghĩa thiết thực nhất. Từ đó, ông xác định phương châm hành động cho riêng mình cũng như toàn Hội là phải "đề cao trách nhiệm và tự giác nêu gương".
Trước hết, đối với bản thân mình, từ mọi sinh hoạt đến điều hành công tác Hội, ông luôn đề cao sự gương mẫu. Khi vận động hội viên và nhân dân tham gia các công việc, các phong trào ở địa phương, ông đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí xắn quần lội ruộng cùng bà con để hiểu họ mong muốn gì, còn băn khoăn điều gì, từ đó có cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các công việc với sự đồng thuận cao nhất. Dấu ấn đặc biệt phải kể đến thời điểm khi xã dồn toàn lực cho xây dựng nông thôn mới, trong đó có công tác dồn điền, đổi thửa.
Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những khó khăn trong công tác này, ông Hải xác định đây là vấn đề mà địa phương đang cần và Hội CCB phải tiên phong nhận lấy trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân. Ông Hải cho rằng: Dồn điền, đổi thửa tuy không phải là tiêu chí nhưng lại là yếu tố quyết định của nhiều tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, giúp khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT… Bắt tay vào triển khai mô hình này, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân về dồn điền, đổi thửa còn hạn chế. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng. Tại các hội nghị bàn về dồn điền, đổi thửa ở các thôn, xóm, 100% hội viên CCB phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, mỗi hội viên thực sự là một tuyên truyền viên vận động gia đình mình và được phân công vận động 5 hộ gia đình ở các hội đoàn thể khác.
Từ cách làm mà ông Hải triển khai cũng như sự gương mẫu, đi đầu của chính ông, trong quá trình thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa, cán bộ, hội viên CCB đều hăng hái thực hiện, nhiều người mạnh dạn nhận ruộng ở vùng quy hoạch để xây dựng trang trại sản xuất, chăn nuôi, thậm chí có người nhận ruộng ở chỗ khó khăn, ruộng cao, nhiều gò mả như hội viên Phạm Trung Đĩnh, Phạm Trung Sinh, Dư Văn Mạnh… Đồng thời vận động anh em trong gia đình dồn đổi ruộng, mỗi hộ nhận từ 2 đến 3 mẫu ở vùng trước đây là đầm lún, ruộng sâu cấy lúa 1 vụ cho sản lượng thấp để đào ao, làm vườn, xây dựng chuồng trại. Nhờ đó, tại các thôn xóm nhân dân đều tin tưởng cử hội viên CCB vào ban giám sát công trình, giám sát chặt chẽ đảm bảo khối lượng, chất lượng các tuyến bờ vùng, bờ thửa, không để xảy ra tiêu cực.
Ông Hải cho biết thêm: Thực tiễn triển khai công tác này đã có nhiều ý kiến khác nhau nhưng bản thân tôi cũng như các cán bộ, hội viên CCB đã kiên trì tuyên truyền, giải thích, tháo gỡ, giải quyết. Khi vận động chỗ nào khó thì dùng phương pháp "mưa dầm thấm lâu", chỗ nào thuận lợi thì vận động luôn người đó cũng tham gia dân vận với mình để tạo sự lan tỏa.
Sau thành công của công tác dồn điền, đổi thửa, ông Hải và Hội CCB xã tiếp tục thể hiện được sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với nhiều công việc khác của địa phương. Điển hình là việc tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng mở rộng Khu công nghiệp Gián Khẩu tại khu vực xã Gia Tân; vận động nhân dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế…
Bài, ảnh: Đào Duy