Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, thương mại toàn cầu giảm sâu, tình hình xuất khẩu của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 vẫn duy trì đà tăng trưởng và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu đã đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trở thành một trong những động lực chủ yếu gia tăng phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Tăng trưởng trên 2 con số
Công ty TNHH MCNEX Vina tại Khu Công nghiệp Phúc Sơn chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với lĩnh vực sản xuất chính là linh kiện điện tử (camera module). Sau hơn 7 năm, Công ty TNHH MCNEX Vina đã phát triển mạnh về quy mô và trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Đại diện Công ty TNHH MCNEX Vina cho biết: Với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh về cơ chế, chính sách, Công ty nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định và có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay đã đánh dấu bước tiến lớn khi Công ty liên tục khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy thứ hai và nhà máy thứ ba.
Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm camera module của Công ty đạt 493,2 triệu USD thì đến năm 2019 đã đạt 1.076 triệu USD (tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm chưa có nhà máy thứ ba).
Năm 2020, mặc dù tình hình dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nhưng với sự hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Công ty năm 2020 vẫn đạt mốc 1.000 triệu USD, tương đương năm 2019.
Báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016-2020 có mức tăng bình quân 22,4%/năm. Riêng năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid -19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn ước đạt 2,2 tỷ USD, bằng 140% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.
Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh gồm 3 nhóm chính là hàng công nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng nông sản tiếp tục có chuyển biến tích cực. Một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng liên tục có mức tăng trưởng cao.
Trong đó nhóm sản phẩm camera modul, linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử... có mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 33,38%/năm và đến năm 2020 ước đạt trên 1.054 triệu USD, chiếm 47,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 các doanh nghiệp Ninh Bình đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ.
Theo ông Đỗ Ngọc Tân, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình, nguyên nhân chính đạt được tốc độ tăng trưởng trên do tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các dự án FDI nhanh chóng đi vào sản xuất và xuất khẩu ổn định, đặc biệt là các dự án sản xuất camera và linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần quan trọng khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu.
Giai đoạn 2016-2020 cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu là việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh và Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình (trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Tính đến nay toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tăng 33% so với năm 2015.
Tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do
Giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có bước tiến vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Trong đó phải kể đến quy mô sản xuất hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu diễn ra còn chậm; chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào mặt hàng camera modul. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, hàng hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giản đơn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu...
Nhận định về xu hướng phát triển hoạt động xuất khẩu, ông Đỗ Ngọc Tân, Trưởng Phòng Quản lý Xuất, nhập khẩu khu vực Ninh Bình cho rằng: Giai đoạn 2021-2025, với việc tiếp tục tận dụng lộ trình miễn giảm thuế quan từ các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực như Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặc biệt là các hiệp định mới Việt Nam - EU (EVFTA), Asean - Hồng Kông (AHKFTA)… với lộ trình xóa bỏ tới trên 90% dòng thuế, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh sẽ có xu hướng tăng mạnh, nhất là các sản phẩm như camera modul, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, da giày, may mặc, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ…
Để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển, trong thời gian tới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp theo kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng của Ninh Bình có kim ngạch xuất khẩu lớn và ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc, camera modul và linh kiện điện tử phù hợp với cam kết của hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư từ các quốc gia đã ký hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam vào các ngành như: sản phẩm công nghệ cao, thiết bị điện - điện tử, linh kiện ô tô...
Xây dựng chính sách phát triển cụ thể cho từng mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, những mặt hàng đang được hưởng những điều kiện ưu đãi do hội nhập kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực mang lại. Riêng các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, lựa chọn nguồn nguyên vật liệu đầu vào phù hợp với yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu để giảm chi phí giao dịch, hạ giá thành sản phẩm.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Ninh Bình kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 7,8%/năm; giá trị xuất khẩu tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2020 lên 3,2 tỷ USD vào năm 2025.