Trong các kết quả nổi bật của nền kinh tế Ninh Bình kể trên, xuất khẩu là một điểm sáng không chỉ trong năm kế hoạch này mà còn thể hiện ở sự tăng trưởng cao và vượt xa mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Ông Đinh Văn Quảng, Trưởng Phòng Thống kê thương mại (Cục Thống kê tỉnh) cho biết: Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh mới đạt 63,5 triệu USD; trong đó: Khối các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) là 23,2 triệu USD, doanh nghiệp địa phương là 40,3 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: May mặc, thêu, nông sản và nông sản đông lạnh... Đến tháng 8 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã đạt 655,8 triệu USD; trong đó: Khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 443,2 triệu USD, khối kinh tế tư nhân đạt 207,9 triệu USD, khối kinh tế nhà nước đạt 4,7 triệu USD.
Các mặt hàng chủ yếu là: Rau quả 4,6 triệu USD; gỗ 14,215 triệu USD; mây, tre, cói, thảm 1,03 triệu USD; hàng dệt may 159,4 triệu USD; giầy dép 89,7 triệu USD; thủy tinh 1,2 triệu USD; kim loại thường 10,7 triệu USD; điện thoại và linh kiện 10,2 triệu USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 181,5 triệu USD; máy móc, thiết bị phụ tùng 8,5 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo 2,8 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 562,3 ngàn USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 404 ngàn USD; giấy và các sản phẩm từ giấy 154 ngàn USD; hàng hóa khác (chủ yếu là clinke xi măng) 170,7 triệu USD.
Như vậy, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh trong nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (2010-2015). Tính đến tháng 8 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã đạt 655,8 triệu USD, tăng 592,3 triệu USD và gấp 10,32 lần so với năm 2009.
Chiếm giá trị tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu là: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện chiếm 27,66%; hàng khác (chủ yếu là clinke) chiếm 26,02%; hàng dệt may chiếm 24,3%; giầy dép các loại chiếm 13,67%; gỗ chiếm 2,16%; hàng rau quả chiếm 0,68%...
Theo bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương, có được kết quả trên là do trong thời gian qua công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh đạt được kết quả.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu và quyết định đầu tư các nhà máy, xí nghiệp về địa bàn: May mặc, giầy dép, camera điện tử máy ảnh...và chủ yếu các sản phẩm của các nhà máy, công ty này là xuất khẩu ra nước ngoài nên kim ngạch xuất khẩu của khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn.
Khối kinh tế nhà nước do suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bị thu hẹp, cùng với những khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh và điều kiện ngoại cảnh nên kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp.
Doanh nghiệp xuất khẩu ở địa phương hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu bởi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do đó, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp không cao, các doanh nghiệp hầu hết phải xuất ký gửi hoặc gia công sản phẩm cho doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế dẫn đến các doanh nghiệp địa phương chưa tìm kiếm được các thị trường phù hợp...nên thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến nông sản bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn xem nhẹ công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại và đầu tư cho các hoạt động này.
Dự kiến đến hết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt trên 850 triệu USD, gấp hơn 9 lần so với năm 2010 và đến năm 2020 đạt kim ngạch 1.500 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này: Sở Công thương sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 27-7-2010 của HĐND tỉnh và Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 5-7-2010 của UBND tỉnh về phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình.
Hàng năm xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại quốc tế để tìm kiếm bạn hàng phù hợp...
Tại các thị trường khó tính, Sở sẽ cung cấp thêm các thông tin về thị trường, rào cản kỹ thuật, đối tác khách hàng, văn hóa kinh doanh... để doanh nghiệp có chiến lược phát triển phù hợp. Bản thân các doanh nghiệp khi tham gia hội nhập cũng cần phải xác định được nguồn lực của mình để tiếp cận thị trường và khai thác thị trường nào cho phù hợp.
Các doanh nghiệp nhỏ (cùng ngành nghề) nên liên kết với nhau nhằm có đủ uy tín với bạn hàng quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng sẽ chủ động phối hợp với các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực của ngành và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; đồng thời phối hợp với các ngành đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giầy, chế biến nông sản, thực phẩm.
Thông qua các nguồn vốn, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề; quy hoạch trung tâm giới thiệu và bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác đánh giá, dự báo thị trường; tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến nội dung các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký kết để làm rõ các lợi thế Việt Nam được thụ hưởng để các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đinh Chúc