Ngắm nhìn đàn lợn hơn 50 con và hàng trăm con gà mới được mua bổ sung cho lứa lợn, gà mới xuất chuồng vào đúng dịp Tết Nguyên đán, anh Đinh Quốc Huy, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) vẫn ngỡ như một giấc mơ. Cái nghề chăn nuôi này vốn chẳng xa lạ gì với một nông dân như anh, nhưng nếu như những năm trước đây, anh chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ thì bây giờ, với đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại phục vụ cho chăn nuôi nên công việc trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều.
Anh Huy cho biết, học xong THPT, không thi Đại học như bạn bè cùng trang lứa, anh ở nhà làm kinh tế với gia đình. Nối nghiệp cha mẹ làm nghề nông, nhưng tuổi trẻ nhiều ước mơ, hoài bão nên tôi muốn làm giàu từ cái nghề vất vả ấy. "Nhưng vốn liếng không có, thành ra có chăn nuôi cũng chỉ ở mức nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Bàn với gia đình, anh quyết định đăng ký đi làm việc có thời hạn ở Đài Loan. Những năm làm việc bên xứ người, anh tích cóp được số vốn kha khá, không những vậy, tôi cũng đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình. Kết thúc thời hạn làm việc theo hợp đồng, anh và vợ về nước, tổ chức lễ cưới và bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn tích lũy được. Nghĩ là làm, anh Huy xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại để nuôi lợn và gà. Anh cũng mở một cửa hàng tạp hóa và bán thức ăn chăn nuôi cho vợ trực tiếp quản lý, đồng thời mua một chiếc xe tải nho nhỏ vừa phục vụ do công việc của chính gia đình vừa làm dịch vụ vận tải mỗi khi rảnh rỗi. Không làm xuể việc, anh Huy thuê hai nhân công theo mùa vụ với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Huy thu lãi từ 2-300 triệu đồng.
Cũng bằng số vốn có được sau khi đi XKLĐ ở Malayxia, chị Trần Thị Mai ở xóm 5, Yên Mỹ (huyện Yên Mô) lại lựa chọn cách làm kinh tế khác. Trước khi đi XKLĐ, chị đã lập gia đình và có 2 người con. Cuộc sống nhà nông vất vả quanh năm nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao, vì vậy, năm 2006, chị quyết định đi làm việc ở Malayxia. Giờ, chị Mai đã có trong tay một tổ hợp may hơn chục lao động thường xuyên với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai chia sẻ: Vốn có nghề may trong tay, nên sau khi đi XKLĐ về, tôi quyết định lựa chọn nghề may để phát triển kinh tế. Vậy là tôi đi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng, các đơn hàng… và đầu tư mua sắm máy móc, các thiết bị để phục vụ cho công việc. Chồng tôi từ một anh thợ mộc cũng chuyển hẳn sang phụ với tôi phát triển nghề may. Hiện nay, công việc thuận lợi đã mang lại cho tôi và những người lao động một cuộc sống ổn định.
Theo lãnh đạo phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như đánh giá những hướng phát triển kinh tế của họ sau khi về nước, nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng, bên cạnh việc tích lũy được một số vốn kha khá để khởi nghiệp, người lao động còn có trình độ tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, để tham gia được vào các thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì ngay từ vòng tuyển dụng, người lao động đã phải trải qua những bước kiểm tra tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ rất khắt khe. Nghĩa là ngay từ xuất phát điểm, chất lượng lao động tham gia vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã cao hơn hẳn những nước khác. Thêm vào đó, những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động Việt Nam những kỹ năng, tay nghề vững vàng, tác phong nhanh nhẹn… vì vậy, nếu không lựa chọn cách "làm chủ" trong hướng phát triển kinh tế, thì đa số người lao động sau khi về nước đều tìm được việc làm phù hợp và được đánh giá cao.
Theo mục tiêu của Đề án Xuất khẩu lao động của tỉnh từ năm 2018, mỗi năm tỉnh ta phấn đấu đưa 1000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 400 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh… Để đạt được chỉ tiêu này và quan trọng nữa là trao cơ hội thoát nghèo cho nhiều đối tượng lao động, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho từng địa phương, đơn vị. Ban chỉ đạo cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Đề án tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia dịch vụ xuất khẩu lao động tiếp cận và trực tiếp tư vấn cho người lao động. Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 1.237 người đi xuất khẩu lao động, vượt 16,92% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, trong đó, đối tượng của Đề án là 401 người, vượt 0,25% chỉ tiêu.
Bài, ảnh: Đào Hằng