Sau một thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2022, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh ta đã phục hồi và bứt tốc mạnh mẽ. Đến tháng 12, ước tính số lao động đi xuất khẩu đạt 1.500 người, vượt chỉ tiêu được giao.
Xuất khẩu lao động "cán đích" vượt chỉ tiêu
Năm 2008, anh Trịnh Văn An ở xã Cồn Thoi là một trong những lao động đầu tiên của huyện Kim Sơn đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Sang Hàn Quốc, anh An làm cho một công ty điện tử với mức lương trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng, chỉ sau hơn 4 năm, anh An đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Sau khi hết hạn hợp đồng, anh An trở về nước và bắt đầu một hướng khởi nghiệp mới. Với kinh nghiệm được tích lũy, anh thành lập Công ty TNHH điện máy công nghiệp Anh Tú, chuyên cung cấp và sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương. Hiện nay, Công ty đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức lương từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Vốn là địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cồn Thoi chỉ còn 123 hộ. Ở địa phương, đã có nhiều người thực sự "đổi đời" nhờ XKLĐ. Khi về nước, có một số lao động còn dạy tiếng Hàn, đồng thời chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm để người lao động địa phương có nhu cầu đi xuất khẩu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Nhờ đó, công tác XKLĐ ở địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua, hứa hẹn mang đến sự đổi thay rõ nét trong phát triển kinh tế ở Cồn Thoi. Năm 2022, xã có 12 người đi XKLĐ.
Trong năm 2022, toàn huyện Kim Sơn đã có 305 lao động đi xuất khẩu, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đáng chú ý, Kim Sơn đã tận dụng được thế mạnh miền ven biển trong việc dự thi tuyển lao động nghề ngư nghiệp cho thị trường lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, phản ánh nguồn chất lượng lao động đi xuất khẩu đã ngày càng được nâng cao.
Bởi lẽ, để vượt qua được kỳ thi tiếng Hàn, thi tuyển tay nghề khá khắt khe trước khi được tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc, người lao động phải có kiến thức, kỹ năng tốt. Bù lại, khi làm việc ở thị trường này, lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức lương khá, công việc rất ổn định. Với những hiệu quả đã được chứng minh, hiện nay công tác XKLĐ đang thu hút sự quan tâm lớn của lao động ở Kim Sơn. Nhiều xã đã quan tâm và thực hiện có hiệu quả, trở thành hướng giảm nghèo bền vững.
Xã Thạch Bình, huyện Nho Quan cũng là một trong những địa phương có nhiều khởi sắc trong công tác XKLĐ năm 2022.
Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vốn là điểm nóng của tỉnh về tình trạng đi XKLĐ "chui", nhưng đến nay tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều. Với việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của địa phương và các ngành chức năng, nhận thức của người dân về XKLĐ theo con đường chính ngạch đã có sự thay đổi rõ rệt.
Trong năm 2022, toàn xã có 25 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các thị trường lao động ngoài nước. Từ năm 2022, Thạch Bình không còn thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù dành cho xã đặc biệt khó khăn, vì vậy, sự mạnh dạn tham gia thị trường XKLĐ của nhân dân địa phương được coi là hướng đi mang lại nhiều triển vọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để ngành chức năng, các doanh nghiệp về tận nơi để phổ biến, tư vấn thị trường lao động ngoài nước phù hợp với mong muốn, điều kiện của lao động địa phương.
Hiện nay, dân số toàn huyện Nho Quan đạt gần 170 nghìn người. Trong đó, số lao động trong độ tuổi gần 99.000 người. Những năm gần đây, huyện đã có nhiều giải pháp để tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác giảm nghèo ở các địa phương, nhất là các xã vùng xa đã có nhiều chuyển biến, song vẫn chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, XKLĐ được xác định là cơ hội lớn, là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững nhất.
Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, các phòng chuyên môn cũng đã tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để những lao động có nhu cầu có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với những công ty hoạt động có uy tín trong công tác XKLĐ… để được tư vấn, lựa chọn tham gia vào những thị trường lao động phù hợp với năng lực tài chính và trình độ tay nghề.
Với cách làm đó, trung bình mỗi năm có trên 100 lao động của huyện đi xuất khẩu. Với nguồn kiều hối gửi về không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà đó còn là cách để làm giàu hiệu quả. Năm 2022, huyện Nho Quan đã đưa 170 lao động đi xuất khẩu, vượt khá xa con số 100 lao động trong chỉ tiêu được giao.
Các doanh nghiệp về các địa phương để phổ biến, tư vấn thị trường lao động ngoài nước phù hợp với mong muốn, điều kiện của người lao động địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay các nước trên thế giới đã chuyển dần sang trạng thái bình thường mới. Chính sách mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài của các quốc gia trên thế giới đã tạo điều kiện để lao động Việt Nam tham gia vào các thị trường này. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là các quốc gia đang đẩy mạnh thu hút nhân lực có tay nghề cao từ Việt Nam.
Sự phục hồi của thị trường XKLĐ cũng bắt nguồn từ các giải pháp của tỉnh. Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề tới công tác XKLĐ, tỉnh ta vẫn nỗ lực tuyên truyền, tích cực tạo nguồn, hướng dẫn người lao động chuẩn bị chu đáo về kiến thức, kỹ năng, thủ tục… để sẵn sàng tham gia khi các thị trường khơi thông trở lại. Nhờ đó, hết năm 2022, toàn tỉnh đã đưa 1.700 lao động đi xuất khẩu, vượt so với chỉ tiêu được giao.
Trong thời gian tới, ngành Lao động cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị, tăng cường rà soát nhu cầu, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo nguồn, đồng thời hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu học nghề, ngoại ngữ, trang bị kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.