Tết năm nay đến sớm nên người trồng đào cũng đang tất bật với công việc chăm tỉa, trong lòng khấp khởi, vừa hy vọng, vừa lo lắng cho vụ đào sắp đến. Hy vọng vì từ nhiều năm nay khi mà cây đào phai Đông Sơn đã thành thương hiệu thì đào đã trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhất của người dân nơi đây. Lo lắng bởi chỉ lo đào nở không đúng tiết thì bao công lao của người dân trong cả một năm đổ sông đổ biển.
Lo vậy chứ thực tình liên tiếp mấy vụ đào vừa rồi, người dân Đông Sơn trúng mùa. Cả một vùng đồi núi bấy lâu nay chỉ được biết với cây chè xanh nay thêm một lối rẽ với nhiều hy vọng về một sự đổi đời từ cây đào. Giống đào phai bản địa rất ưa thủy thổ nên cứ đẹp đến ngỡ ngàng.
Vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch là thương lái các nơi đã rập rình mang tiền đến đặt hàng người dân. Đào được mua tại vườn, giáp Tết thương lái trở lại mang đi tiêu thụ, số lượng không hạn định. Ban đầu chính người dân cũng bất ngờ trước sức tiêu thụ của thị trường đào Tết.
Tôi vốn không phải là người giàu tưởng tượng, nhưng khi theo chân ông Nguyễn Xuân Thinh, Bí thư Chi bộ thôn 4b và ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Trưởng thôn 4b đi thăm các vườn đào của người dân trong thôn, những gì mắt thấy tai nghe khiến người viết không thể không lạc quan. Thôn 4b có diện tích 3 km2 với 354 hộ, hơn 1.600 nhân khẩu. Hiện thôn có 111 hộ trồng đào, với 179 lao động tham gia sản xuất trên tổng diện tích 21ha.
Dịp Tết Đinh Dậu này sẽ có 17,5 ha đào của thôn cho thu hoạch. Doanh thu từ cây đào năm 2015 là 817 triệu đồng, ước tính năm 2016 sẽ lên đến hơn 950 triệu đồng. Tổng giá trị doanh thu từ các hoạt động ngành nghề của thôn năm 2016 là hơn 2,1 tỷ đồng. Như vậy thu hoạch từ nghề trồng đào chiếm 45,1%.
Thôn 4b chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc những sản phẩm cây, con mang lại sự đổi đời cho nông dân. Tính đến hết năm 2016, toàn xã Đông Sơn có 146 ha trồng đào, với 754 hộ tham gia sản xuất giống cây này. Doanh thu của đào Đông Sơn ước tính mang lại hơn 9,2 tỷ đồng. Trong xu thế đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, việc hình thành làng nghề chuyên canh cây đào ở Đông Sơn với những hiệu quả rất thực tế như ậy đã khẳng định đây là một hướng đi đúng.
Giờ đây, đã qua rồi cái thuở người dân quanh năm lo cái ăn, cái mặc. Hôm nay, vùng đất đồi rừng mênh mông đang trở mình mạnh mẽ. Cây đào ươm xuống, lúc cây nhỏ thì trồng xen canh cây lương thực, cuối năm cho thu hoạch cây lương thực thì lại tập trung chăm sóc cây đào. Nhà ít thì vài ba sào, nhà nhiều có khi tính bằng ha, mỗi vụ đào Tết, nhà vườn ít cũng bỏ túi vài ba chục triệu đồng, vườn lớn, chủ vườn "giắt lưng" tiền trăm.
Cũng từ cây đào, nỗi lo sinh kế của nông dân vơi đi. Và khi đã đủ ăn, đủ mặc, nông dân Đông Sơn lại trăn trở chuyện làm thế nào để hoa đào bán được giá, đất vườn đồi đẻ thêm tiền bạc. Bằng chứng là chỉ mấy năm trước, các chủ vườn chỉ chăm bón thủ công, cắt cành đem bán; nay có kinh nghiệm trồng đào, lại thêm kiến thức khoa học tìm hiểu được, nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng đào thế, đào ghép, chiết cây, chiết cành...
Hiện, nhiều giống đào quý nơi khác cũng đang được một số hộ chọn đưa về ươm trồng, lai tạo. Giống đào phai Đông Sơn vốn đã nổi tiếng nay có thêm giống đào bích, đào thất thốn... Các chủ vườn đào cũng đã cập nhật các kỹ thuật: bón thúc thế nào cho hoa nở sớm, hay hãm thế nào để hoa nở chậm cho đúng tiết xuân.
Đa dạng về sản phẩm, thay đổi về tư duy kinh tế, thu nhập từ cây đào của người dân Đông Sơn cũng ngày một lớn hơn. Đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ cho người dân thành phố Tam Điệp mà hiện diện trong cả chợ hoa xuân ở nhiều nơi.
Sản phẩm đào phai Đông Sơn đã vươn ra các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... Sắc xuân đào Tam Điệp với những chồi biếc nụ hồng đã hiện diện ở mỗi nhà dân, mỗi tiền sảnh của các cơ quan công sở, làm vơi đi nỗi nhớ quê của những người con Ninh Bình xa xứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hiện, thương hiệu đào phai Đông Sơn đã được thị trường chấp nhận, khi làng nghề trồng đào Đông Sơn đã đi vào hoạt động quy củ, tuyến đường vào xã Đông Sơn sẽ là tuyến đường du lịch. Chợ hoa sẽ mở cho khách đến xem hoa, ngắm đào. Vùng đất vườn đồi Đông Sơn vốn lặng lẽ với cây chè, nương sắn, giờ đang trở mình mạnh mẽ.
Rồi đây du lịch Ninh Bình không chỉ có tua chèo thuyền ngắm núi non, vào hang động chùa chiền khám phá... mà tương lai sẽ có thêm những tua du lịch điền dã sinh thái vào làng hoa ngắm đào. Hy vọng làng đào Đông Sơn sẽ góp mặt cùng những làng đào nức tiếng miền Bắc như: Nhật Tân, Ngọc Hà, Nam Điền... làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Phương Nam