Xã Quỳnh Lưu (Nho Quan), là căn cứ địa quan trọng của tỉnh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây, ngày 11/8/1945, đã diễn ra trận đánh lịch sử chống phát xít Nhật, tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương trong toàn tỉnh, cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Pháp, giành độc lập dân tộc. Những ngày đầu xuân Tân Sửu, chúng tôi đã có dịp trở lại chiến khu xưa, cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của vùng quê cách mạng. Truyền thống hào hùng của quê hương đã là động lực tinh thần để mỗi người Quỳnh Lưu cùng nhau chung sức xây dựng cuộc sống mới trên quê hương chiến khu anh hùng.
Xuân về trên quê hương chiến khu xưa
Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm Canh Tý, anh Nguyễn Anh Quân ở thôn Đồi Phương, xã Quỳnh Lưu cùng gia đình tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Gốc đào trồng ngoài vườn nay cũng được đánh về để kịp trưng Tết.
Anh Quân hồ hởi chia sẻ: Năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có thời điểm căng thẳng ảnh hưởng đến việc làm của những người dân lao động tự do như tôi, nhưng với những chính sách kịp thời của đất nước, địa phương, người dân vẫn có việc làm, thu nhập ổn định. Vì vậy mà gia đình có điều kiện sắm Tết chu đáo hơn. Để đón Tết Cổ truyền của dân tộc, ngoài việc trang trí hoa, cây cảnh, đã thành thông lệ, năm nào đại gia đình tôi cũng gói bánh chưng. Đó là cách để gia đình gìn giữ phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Người dân trang trí cây cảnh để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Cũng theo anh Quân, quê hương ngày càng khởi sắc, nhất là từ năm 2015 trở lại đây, Quỳnh Lưu là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới, từ đây nhiều công trình phục vụ dân sinh đã được quan tâm đầu tư như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, công trình cấp nước sạch, hệ thống trường học được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho con em học hành ngày một tốt hơn.
"Có được những thành quả như thế này, người dân chúng tôi vừa vui mừng và cũng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó động viên nhau cố gắng nhiều hơn trong phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, để cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển"- anh Quân cho biết.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Lưu cho biết: Xác định "xây dựng nông thôn mới là quá trình dài, chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc", sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Lưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, củng cố và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và sức lao động của con người. Người Quỳnh Lưu luôn nhạy bén với cái mới, đã tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT và thay đổi tư duy sản xuất. Xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy lợi thế từng vùng đất để đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào gieo trồng. Hiện Quỳnh Lưu duy trì vùng sản xuất các loại cây công nghiệp như lạc, mía, ngô, bí xanh... với tổng diện tích khoảng trên 156 ha, thực hiện theo phương thức luân canh, gối vụ. Hiện giá trị 1 ha đất canh tác của xã đạt 79,9 triệu đồng/ha.
Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân Quỳnh Lưu đã vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo phương thức trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Do đó, chăn nuôi gia súc gia cầm tiếp tục phát triển cả về số lượng, quy mô và sản lượng theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều gia đình xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Hiện nay, ở Quỳnh Lưu đã xuất hiện các mô hình làm trang trại con nuôi đặc sản như nuôi dê, nuôi ong, nuôi hươu... nhằm tận dụng lợi thế vùng đồi. Đối với chiêm trũng, nông dân trong xã tiếp tục phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy cầm, đem lại hiệu quả cao. Đây tiếp tục là hướng đi hiệu quả cho vùng chiêm trũng.
Với phương châm tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trong nhiều năm qua, xã Quỳnh Lưu quan tâm tạo điều kiện để các hộ dân tham gia phát triển ngành nghề phụ, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Ngoài các nghề truyền thống như mộc, nề, nhân dân còn tích cực đưa các nghề mới trong lĩnh vực may mặc, sản xuất đá mỹ nghệ. Hiện toàn xã có 340 cơ sở kinh doanh hàng hóa; 75 phương tiện xe ô tô các loại vận tải, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trong xã, tổng giá trị thương mại, dịch vụ đạt 71,4 tỷ đồng chiếm 32,84%.
Diện mạo nông thôn mới ngày một rõ hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng. Các trường học, trạm y tế, các công trình di tích lịch sử... được xây dựng khang trang tạo thành "điểm nhấn" nói lên sự thay da đổi thịt của miền quê này. Đời sống nhân dân được cải thiện tăng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến hết năm còn 1,87%, giảm 0,33% so với năm 2019.
Về với Quỳnh Lưu hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất đó chính là sự đổi thay từng ngày của bộ mặt nông thôn mới. Một mùa xuân mới đang về, trên khắp các nẻo đường thôn xóm đã ngập tràn cờ hoa. Niềm vui và niềm phấn khởi hiện hữu trên từng khuôn mặt của mỗi người dân với đầy ắp hy vọng về năm mới đủ đầy, sung túc, hạnh phúc.