Xuân đã về, khắp các nẻo đường của vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử đều bừng sáng trong sắc xuân tươi trẻ. Lòng người càng thêm phấn chấn bởi vừa được trải qua những ngày xuân ấm áp bên người thân, gia đình và bạn bè. Bên ly rượu cay nồng mang đậm hương vị quê hương mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, để rồi tiếp tục phấn đấu, ước mơ, hy vọng đạt được những kết quả cao hơn trong năm mới.
Nhìn lại những ngày Tết Giáp Ngọ, nhiều người đều có chung cảm nhận, đó là cái Tết an lành và hạnh phúc. Ngay trong đêm giao thừa, tại 2 điểm bắn pháo hoa là thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn, dòng người du xuân dường như đông hơn mọi năm song không xảy ra tình trạng lộn xộn, đua xe gây mất trật tự; hiện tượng hái lá bẻ cành lộc, đốt pháo trong đêm giao thừa giảm rõ rệt so với những năm trước. Việc chấp hành luật giao thông khá nghiêm túc, dù đi chơi tết nhưng không quên đội trên đầu chiếc mũ bảo hiểm. Thời tiết trong những ngày Tết cũng hết sức ủng hộ những chuyến du xuân, chúc Tết của mọi người, trời nắng nhưng không nóng, lạnh về đêm, thỉnh thoảng còn lắc rắc những hạt mưa khiến cho cây cối, đất trời trở nên mát mẻ. Đặc biệt, tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết khá ổn định, không thấy xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá, ép giá. Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương ở phường Tân Thành ( thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm nay nguồn hàng cung cấp dồi dào, mặc dù mấy ngày giáp Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao song giá cả không có sự đột biến, tất cả hàng hóa thiết yếu như bia rượu, bánh mứt kẹo, dầu ăn đều có trên thị trường. Anh Đinh Văn Thắng, người làm nghề giết mổ gia súc cũng có chung nhận xét: Thị trường Tết năm nay khá ổn định, những ngày giáp Tết gia đình tôi cung ứng ra thị trường lượng thực phẩm gấp 4-5 lần ngày thường nhưng giá cả hầu như không tăng, nếu tăng cũng không đáng kể. Các mặt hàng khác như cua, cá, rau xanh cũng rất sẵn, nhất là rau "rẻ như cho" với 2.000đ/bắp cải, 500đ-1.000đ/củ su hào. Đắt đỏ hơn có lẽ là hàng hoa quả, với 80.000đ/kg bưởi da xanh, 60.000đ/quýt, 35.000đ/kg táo ta. Đối với vùng nông thôn giá cả thị trường càng ổn định, giò nạc 120.000- 130.000đ/kg; gà sống 80.000-85.000đ/kg; lợn hơi 37.000-38.000đ/kg... Theo phân tích của nhiều người, sở dĩ giá cả thị trường không có sự đột biến một phần nhờ có chính sách bình ổn thị trường của nhà nước thực sự phát huy tác dụng, đảm bảo hàng hóa được phân phối ở khắp mọi nơi, với giá cả ổn định, hợp lý. Phần nữa cũng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người dân phải tính toán hơn trong chi tiêu mua sắm, người ta chỉ mua những thứ thực sự cần thiết dẫn tới sức mua trên thị trường đối với nhiều mặt hàng giảm.
Sâu xa hơn, có lẽ trong quan niệm của người dân về ăn Tết, chơi Tết cũng đang có sự thay đổi, không khí Tết xưa dường như đang được khôi phục, bằng chứng là một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả ở thành phố không còn quan niệm cứ có tiền ngày 30 Tết ra chợ sắm một loáng là đủ Tết, thay vào đó, họ rủ nhau về quê đụng lợn, mua gà, nấu bánh chưng, thậm chí nhiều người còn tự tay làm bánh, mứt Tết, vì họ cho rằng làm như vậy vừa yên tâm về chất lượng thực phẩm lại vừa vui vẻ, đầm ấm, đúng nghĩa là Tết cổ truyền.
Vì kỳ nghỉ Tết dài nên việc du xuân cũng trở nên thuận lợi, sau 3 ngày Tết, nhiều gia đình, nhiều người tiếp tục hành trình đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của quê hương đất nước. Với Ninh Bình, đây cũng là dịp tốt để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp về đất và người vùng đất cố đô Hoa Lư với bạn bè trong và ngoài nước. Tin rằng, với điềm lành và những dự cảm tốt đẹp của những ngày đầu năm, mỗi người sẽ có những ngày xuân thật ý nghĩa trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Đức Huy