Bỏ qua sự ồn ào, hối hả của những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về với các mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên những người mẹ kiên cường ấy, ngồi ngắm mẹ chải tóc và nghe mẹ kể những câu chuyện của ngày xưa… chúng tôi như những đứa con phương xa lâu ngày được gặp lại mẹ, cho một cảm giác quá đỗi yên bình, hạnh phúc.
Xuân về, Mẹ kể chuyện xưa…
Ở tuổi 92, nhưng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Bé, ở xóm 4, xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Những ngày giáp Tết, mẹ vừa tận tay dọn dẹp ban thờ, vừa xúc động kể cho chúng tôi nghe về một thời rất xa xưa. Thời mà mẹ có chồng và con trai ở bên.
Mẹ kể rằng, liệt sỹ Trương Công Lịch là con trai duy nhất của mẹ. Khi vừa bước qua tuổi 18 được 3 tháng, học xong cấp 2, Lịch "nằng nặc" đòi cha mẹ cho đi bộ đội. Mặc dù khi ấy, Lịch là đối tượng được ưu tiên vì là con duy nhất. Nhìn vào ánh mắt con trai, mẹ Bé biết được quyết tâm của con nên cũng chỉ biết ủng hộ và động viên, dù rằng ngày ấy, mỗi người đều ý thức rất rõ, ra trận là cầm chắc cái chết.
"Ngày ấy nhà ai cũng nghèo cả. Mẹ vừa cấy ruộng, bắt cua, mò ốc vừa trồng cây thuốc lào để lo toan cho gia đình. Ông thì ốm yếu quanh năm, dẫu vậy, mẹ cũng không để Lịch phải vất vả vì nó là con duy nhất. Chỉ mong nó học hành chăm chỉ. Ai ngờ vừa học xong cấp 2, nó đòi đi bộ đội" - mẹ Bé kể.
Nhưng trước lý tưởng của con trai, mẹ Bé chỉ biết động viên con lên đường mạnh giỏi. Lịch hứa với mẹ rằng, khi nào đất nước độc lập sẽ trở về, lấy vợ, sinh con cho mẹ bồng bế. Cùng đi với Lịch năm đó, còn có người bạn thân thiết trong xóm là Nguyễn Văn Sơn. Hai người cũng là bạn học. Ngày lên đường nhập ngũ, Lịch dậy rất sớm, ăn vội bát cơm mẹ nấu rồi lên đường. Đó là một ngày mùa hè năm 1968. Khi ấy, Lịch mới đủ 40 kg.
Trước khi nhập ngũ, Lịch đã đi chụp ảnh để tặng cho mẹ giữ làm kỷ niệm. Hàng đêm, trước khi đi ngủ, mẹ Bé đều mang ảnh của con ra ngắm, vừa là để bớt nỗi nhớ con, vừa là để "đoán mệnh" con qua ảnh, xem con mình "tươi" hay "sầu". Nếu con tươi thì là còn sống, còn sầu thì đã chết. Và lần nào cũng vậy, mẹ thấy an lòng khi thấy trong bức ảnh nhỏ xíu, Lịch cười thật tươi.
Từ ngày nhập ngũ, anh Lịch gửi được cho mẹ được 2 lá thư. Hai lá thư viết vội, ngắn ngủi. Nội dung thư là dặn dò thầy, u ở nhà cứ yên tâm. Con và Sơn đều mạnh khỏe, chúng con sẽ cùng với hàng triệu thanh niên khác nhất định sẽ giành thắng lợi trở về… Bao ngày con đi là bấy nhiêu thời gian mẹ Bé đằng đẵng chờ đợi. Nỗi nhớ con, nỗi lo lắng mơ hồ hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Đến tháng 7/1970, gia đình nhận được giấy báo tử của anh Lịch. "Lịch và Sơn đều bỏ dở lời hứa với mẹ cha. Cả hai đứa đã nằm lại chiến trường. Giờ, Lịch vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bao năm qua rồi, tôi vẫn chờ đợi một nguồn tin về nơi con đã ngã xuống. Nhưng thôi, dù con có nằm ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này thì cũng đều là quê hương mình, đồng đội của con sẽ là người thân…"- mẹ Bé xúc động cho biết.
Sau khi nhận được giấy báo tử của anh Lịch không lâu chồng mẹ Bé cũng qua đời vì bạo bệnh. Mẹ Bé kiên cường đi qua những tháng ngày đau thương ấy. Mẹ bảo, những lúc buồn nhớ con, mẹ lại có các con ở Sở Giáo dục và Đào tạo (đơn vị nhận phụng dưỡng), bà con lối xóm, chính quyền địa phương và các cháu học sinh tới thăm hỏi, động viên. Những tình cảm ấy đã sưởi ấm trái tim, để mẹ không còn cô đơn nữa.
Bà Lưu Thị Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân cho biết, hiện nay, 2 mẹ VNAH của xã đều đã ở độ tuổi ngoài 90. Tất cả các mẹ đều được các cơ quan của tỉnh và huyện nhận phụng dưỡng. Những năm qua, việc chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH luôn được thực hiện có hiệu quả bằng những việc làm cụ thể như: thăm hỏi, động viên, trao quà, chăm sóc sức khỏe…
Chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân quan tâm chăm lo, phụng dưỡng mẹ VNAH.
Không chỉ có các đơn vị phụng dưỡng, mà xã cũng giao cho từng đoàn thể, trường học… thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các mẹ, nhất là mỗi khi các mẹ đau yếu. Hàng tháng, Trạm Y tế xã phân công cán bộ y tế đến thăm, khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc cho các mẹ. Sự quan tâm, gần gũi ấy, góp phần tạo không khí ấm ấp để các mẹ sống những tháng ngày tươi vui, khỏe mạnh.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình có 1254 mẹ VNAH, trong đó chỉ còn 37 mẹ VNAH còn sống, đa số các mẹ đều ở độ tuổi ngoài 90.Những năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực tổng hợp thông tin, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định giao trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ VNAH, có công văn hướng dẫn các đơn vị những thủ tục trong việc nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tất cả các mẹ đều đã được nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các đơn vị phụng dưỡng giữ mối liên lạc thường xuyên với thân nhân hoặc người chăm sóc các mẹ VNAH để nắm tình hình đời sống của các mẹ. Tùy từng điều kiện của cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện, như trợ cấp thêm kinh phí hàng tháng nhằm nâng cao mức sống cho các mẹ; thường xuyên thăm hỏi, động viên vật chất, tinh thần các mẹ, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết; tổ chức để các mẹ cùng tham gia các chuyến thăm quan, du lịch và các hoạt động văn hóa xã hội của cơ quan, đơn vị…