Có mặt tại buổi sinh hoạt cuối năm của CLB người cao tuổi thôn Liêu Thượng, xã Đồng Phong, ông Quách Sĩ Xiêm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn cho biết: Quê hương, đất nước đang đổi mới từng ngày. Năm nay là mùa xuân thứ 3 xã đón niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới, không khí vui Xuân, đón Tết ngày càng sôi nổi, phấn khởi. Nhà văn hóa thôn đã được xã hội hóa xây dựng khang trang gần 700 triệu đồng, trong đó có đủ bàn ghế, âm ly, loa đài…, phục vụ các tổ chức đoàn thể của thôn hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ những ngày kỷ niệm và ngày lễ, Tết. Bà Bùi Thị Thủy, 72 tuổi phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi vui mừng và phấn khởi vô cùng trước sự đổi thay của quê hương. Mới năm nào, đường làng, ngõ xóm còn bề bộn, gồ ghề, vệ sinh môi trường không đảm bảo…, thế mà giờ đây, tất cả đường giao thông đều được bê tông hóa phẳng lì, mọi nhà đều sử dụng các phương tiện hiện đại để phục vụ đời sống như xe máy, ti vi… điều kiện sinh hoạt và vệ sinh môi trường rất đảm bảo. Đồng chí Bùi Trần Dự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phong cho biết: Mục tiêu về đích nông thôn mới từ những năm qua không làm Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Đồng Phong hài lòng. Xác định đó mới là thành tích đạt được, còn duy trì và phát huy những thành tích đó để đạt kết quả cao hơn là mục tiêu xã luôn hướng tới. Theo đó, xã đã xây dựng và đang hình thành nhiều mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình cây ăn quả, xóa vườn tạp trồng cây ngắn ngày, mô hình lúa cao sản, mô hình rau củ quả sạch…. Trong năm 2015, xã đã hoàn thành việc chuyển đổi gần 9 ha đất trồng lúa, màu hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả gồm 2,5 ha cây chanh đào, 5,5 ha cam, 2 ha ổi, bưởi, diện tích trồng cây ăn quả đang phát triển tốt, hứa hẹn cho hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa. Hiện nay, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 67 triệu đồng.
Cùng với đó, xã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để duy trì các tiêu chí khó; tiêu biểu như tiêu chí vệ sinh môi trường, tích cực vận động nhân dân thu gom, phân loại các loại rác thải, đóng góp kinh phí phù hợp để vận chuyển rác đi chôn lấp; đồng thời củng cố, hoàn thiện công trình nước sạch sinh hoạt, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, giữ vững tiêu chí môi trường. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng bằng việc hoàn thành các hạng mục công trình chợ nông thôn mới giai đoạn 3 với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng, xây dựng nhà dịch vụ tổng hợp HTX nông nghiệp với kinh phí hơn 400 triệu đồng… Đời sống của nhân dân ngày càng ổn định và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 26,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục giảm…
Đồng chí Bùi Thị Quế, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Để nâng cao đời sống của nhân dân, huyện xác định đầu tư và khuyến khích các xã thực hiện từng bước vững chắc các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, công tác xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, tạo thành phong trào rộng rãi, huy động cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Đặc biệt, từ giữa năm 2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tích cực của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã đã chung sức, đồng lòng đóng góp trên 4 nghìn ngày công, hiến gần 300 ha đất, huy động trên 230 tỷ đồng; tiếp nhận trên 5.400 tấn xi măng để xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, cuối năm 2015, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 11,8 tiêu chí, tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2014. Đặc biệt, 4 xã Quỳnh Lưu, Yên Quang, Văn Phú và Gia Lâm đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2015, cả 4 xã đều được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, hình thành cánh đồng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Có 17 xã giao xong ruộng tại thực địa cho nông dân canh tác, 11 xã đã duyệt xong đề án…
Cùng với quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, cơ cấu các ngành kinh tế đã có bước chuyển dịch đúng hướng, tích cực và hiệu quả. Trong sản xuất CN-TTCN, huyện Nho Quan tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành có nhiều lợi thế như: may mặc, đá khai thác và gạch không nung. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 800 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3 triệu USD, tăng 1 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là quần áo may sẵn và tinh bột sắn. Có trên 100 nghìn lượt khách tham quan, du lịch, trong đó có trên 13 nghìn lượt khách nước ngoài, doanh thu ước đạt 22 tỷ đồng; doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 165 tỷ đồng, tăng hơn 9%...
Từ xây dựng nông thôn mới và tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Các xã nghèo, xã vùng cao có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân không chỉ mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất mà còn biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp. Như tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa, trồng cây kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có trên 2.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, cho sản lượng gần 5.800 tấn. Đồng thời đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm làm tăng tổng đàn, trở thành huyện có số lượng đàn trâu, bò… và các con nuôi đặc sản đứng đầu tỉnh. Sự phát triển toàn diện của huyện thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Đảng bộ và chính quyền huyện Nho Quan, tạo tiền đề cho năm 2016 huyện đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Năm 2016, huyện Nho Quan xác định tiếp tục phát triển kinh tế, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - TTCN, du lịch và dịch vụ; tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tối đa lợi thế của địa phương miền núi, nhân rộng mô hình kinh tế đồi rừng, đưa những cây, con phù hợp với đồng đất địa phương vào sản xuất, thâm canh nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Phấn đấu giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 80 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; có thêm 2 xã về đích nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-2%…
Mỹ Hạnh