Ngộ độc măng:
Trong măng tươi có chứa một chất độc gọi là Glucosid sinh acid cyanhydric (HCN). Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày hoặc gặp chất chua, glucosid bị thủy phân và giải phóng HCN gây ngộ độc với các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh. Trường hợp nặng có thể bị tím tái và tử vong sau 30 phút. Nếu phát hiện và cứu chữa kịp thời thì sẽ thoát cơn nguy kịch.
Cách sơ cứu như sau: Dùng 6 lòng trắng trứng gà hòa đều trong 1 lít nước, cho người bệnh uống dần từng cốc nhỏ. Khi vào dạ dày lòng trắng trứng sẽ quyện với chất độc rồi được tống ra ngoài bằng cách gây nôn. Có thể dùng bông sạch ngoáy vào họng hoặc cho uống nước muối pha đậm đặc để gây nôn. Sau đó cho bệnh nhân uống mật mía hoặc nước đường.
Để đề phòng ngộ độc xảy ra, cần phải luộc chín măng tươi, không đậy nắp để cho HCN bốc hơn. Nên luộc măng ít nhất 2 lần trước khi chế biến món ăn. Ngày Tết nên ăn măng đã chế biến kỹ, phơi khô. Đem luộc chín lại, rửa sạch rồi chế biến các món ăn sẽ an toàn hơn măng tươi. Măng đã luộc, rửa sạch mới đem chế biến thì lượng HCN bốc hơn, hòa tan trong nước luộc sẽ không còn gây ngộ độc.
Ngộ độc do lạc mốc:
Trong lạc mốc có chứa một độc tố aflatoxin rất nguy hiểm đối với sức khỏe, có thể gây ung thư gan. Do đó khi ăn cần chú ý cẩn thận, nếu thấy lạc không bình thường như có vị đắng, hạt lạc có màng trắng bao quanh... thì phải bỏ ngay.
Nếu lỡ ăn rồi và thấy khó chịu trong người thì dùng đậu xanh sống rửa sạch, giã nát hòa với nước đun sôi để nguội, uống càng nhiều càng tốt. Nếu ăn nhiều phải làm cho nôn ra.
Chất độc aflatoxin rất bền với nhiệt, cho nên khi đậu, lạc bị mốc nấu chín, các bào tử mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của nó vẫn không bị tiêu hủy hoàn toàn.
Ngộ độc thịt, cua, cá:
Do công đoạn chế biến không đảm bảo vệ sinh, nấu chưa chín, hoặc do thực phẩm bị ôi thiu. Vi khuẩn phát triển, người ăn vào bị nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Khi bị ngộ độc cách tốt nhất vẫn là gây nôn ra hết thức ăn. Sau đó dùng các cách sau để giải độc.
Gừng tươi 15-20g, hành tươi 15-20g, hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 1/2 lít nước, để sôi khoảng 3-5 phút. Cho uống (khi còn ấm) từng ngụm nhỏ.
Thảo quả 4-8g, tán bột hòa với nước ấm để uống.
Củ riềng 6-10g, gừng khô 6g, củ gấu (hương phụ) 8g, ba thứ tán bột, chia làm hai lần uống với nước ấm.
Lá tía tô tươi 50-60g, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
Khế chua 1-2 quả, rửa sạch vắt lấy nước uống.
Ngộ độc rượu:
Người bị ngộ độc rượu sẽ bị rối loạn trung khu thần kinh, có thể bị hôn mê, co giật, nhịp tim chậm, hô hấp yếu, hạ huyết áp. Trường hợp còn tỉnh, dùng thìa đè vào lưỡi kính thích họng cho nôn ra. Nếu đã hôn mê, nên cho nằm nghiêng để khi thức ăn nôn ra không bị hít vào phổi.
Cho bệnh nhân uống từng ngụm nước đường đậm đặc. Sau đó cho uống một trong các loại nước ép như dưa hấu, củ sen, bông súng, lê, đậu xanh sống, nước bột sắn dây (cát căn). Đặc biệt để nhuận gan, giải độc cho gan nên lấy cây chó đẻ răng cưa sắc uống, hoặc bây giờ ngoài thị trường đã có bán sẵn dạng gói trà hoặc viên nang rất tiện dụng.
Hồng Nhung (gt)