Theo các chuyên gia nông nghiệp, rơm chứa hầu hết là chất hữu cơ, nếu vùi vào đất sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, do việc tăng vụ, gối vụ nên không đủ thời gian để rơm phân hủy, nhiều nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ để lấy tro bón ruộng.
Việc đốt này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2 và các hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, dễ ho, hắt hơi, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở...
Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày. Bên cạnh đó, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ có trong rơm rạ do nhiệt độ cao sẽ biến thành chất vô cơ, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Phần tro chỉ còn sót lại chút ít phốt pho, kali, canxi và silic..., không giúp ích mấy cho cây trồng.
Những tác hại nêu trên của việc đốt rơm rạ thì ít nhiều nông dân nào cũng biết; chính quyền và ngành chức lại càng rõ hơn ai hết nhưng giải pháp nào để thay thế việc đốt rơm rạ đến nay vẫn là một bài toán khó. Đã có không ít các mô hình thí điểm xử lý rơm rạ được thực hiện trên địa bàn tỉnh nhưng tất cả mới chỉ được triển khai ở diện hẹp, việc nhân rộng gặp phải nhiều khó khăn.
Cụ thể, ngay từ năm 2013 Trung tâm ứng dụng Thông tin, Khoa học Công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở KH&CN) sau đó là Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh… đã triển khai các mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều ưu điểm như: thời gian xử lý nhanh, chỉ khoảng 30-40 ngày rơm rạ cơ bản đã phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt; chi phí xử lý rẻ, khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/1ha; tuyệt đối an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, có lợi cho môi trường sinh thái… Mô hình đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhiều HTX và bà con nông dân, phần nào góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc đốt rơm rạ.
Tuy nhiên, sau đó, khi các mô hình, dự án kết thúc, kinh phí hỗ trợ không còn thì không có mấy nông dân tiếp tục theo đuổi hình thức xử lý này. Nguyên nhân được cho là quy trình để xử lý rơm rạ tương đối phức tạp và tốn nhiều công: phải thu gom rơm, hòa chế phẩm, tưới, phủ nilon, đảo đống… Trong khi nguồn lao động trong nông nghiệp hiện nay không còn nhiều, đa phần là người già, phụ nữ sức khỏe yếu.
Tiếp theo, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh lại triển khai hỗ trợ 2 máy cuộn rơm tại xã Quang Thiện (Kim Sơn) và HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Việc cuốn rơm bằng máy rất nhanh (đạt từ 30 - 50 cuộn/giờ); đặc biệt rơm cuộn chặt 15-17 kg nhưng chỉ cuộn thành một cuộn có kích thước khoảng 50x70 cm, rất phù hợp cho việc vận chuyển, bốc xếp và bảo quản.
Thực tế, 2 máy cuộn rơm này đã được các đơn vị sử dụng khá hiệu quả, góp phần hạn chế việc đốt rơm cũng như hỗ trợ ngành sản xuất nấm, chăn nuôi, trồng trọt ở địa phương phát triển. Từ 2 máy cuộn rơm đầu tiên này, một số doanh nghiệp, hộ gia đình cũng đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để kinh doanh rơm khô nhưng đến nay số đầu máy cuốn rơm trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thừa nhận: Việc thu gom rơm bằng máy rất hiệu quả nhưng chưa nhiều người thấy rõ. Đặc biệt, hoạt động của máy cuốn rơm vẫn đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trước hết điều kiện thời tiết, nếu năm nào trời mưa nhiều thì hầu như máy không hoạt động được.
Thứ đến là ở vụ đông xuân, do khoảng cách thời vụ là rất ngắn, nhiều vùng bà con giữ nước trong đồng để làm mùa luôn nên việc gom rơm cũng gặp nhiều khó khăn...Ngoài mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón, máy cuốn rơm còn các mô hình khác như: sử dụng rơm rạ để làm nấm, để che phủ trong trồng trọt, ủ chua làm thức ăn cho gia súc…nhưng hầu hết đều dừng ở 2 chữ "mô hình".
Ninh Bình hiện gieo cấy khoảng 80 nghìn ha lúa mỗi năm, tương đương với lượng rơm rạ sau thu hoạch ước khoảng 500 nghìn tấn. Các nhà khoa học đã tính toán: Từ 3 tấn rơm (của 1ha lúa) trong 3 năm sẽ đóng góp cùng với các nguyên liệu khác tạo thành 200kg thịt bò, với giá bán 220.000 đồng/kg, tổng giá trị khoảng 44 triệu đồng. 3 tấn rơm đem lại lợi nhuận từ 4,5-5,5 triệu đồng từ việc trồng nấm rơm, trong khoảng 1 tháng sau vụ thu hoạch lúa và lặp lại một lần nữa với vụ thu hoạch thứ 2.
Với 3 tấn rơm có thể sản xuất ra 1.000kWh điện, với giá bán 1.800 đồng/kWh, tổng doanh thu khoảng 1,8 triệu đồng. Còn nếu tiến hành xử lý 3 tấn rơm bằng chế phẩm sinh học chúng ta sẽ thu được 7,2 tấn phân hữu cơ, tương đương với khoảng 7,8 triệu đồng…
Như vậy, để không lãng phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ việc đốt rơm rạ như hiện nay, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của các đơn vị chuyên môn. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân về cách thức xử lý rơm rạ.
Các địa phương cũng nên đưa việc không đốt rơm rạ vào hương ước, quy ước của làng, qua đó tạo cơ sở pháp lý, đồng thời tạo sự đồng thuận trong cả cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các mô hình xử lý rơm rạ trên địa bàn.
Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý phân bổ một phần kinh phí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân mua máy cuốn rơm. Từ nay đến vụ mùa, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ được từ 5-7 máy, qua đó góp phần tăng giá trị trên 1 đơn vị canh tác, giảm tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: Hà Phương