Nếu không mục sở thị thì khó có thể hình dung được Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình lại yên tĩnh, thoáng đãng và sạch sẽ đến vậy. Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên Nhà máy, ông Bùi Thanh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy không giấu nổi niềm vui về những thành quả đơn vị có được sau hơn hai năm khởi đầu gian nan: Mặc dù đây là dây chuyền có công nghệ tiên tiến, hiện đại của Hàn Quốc song do đặc tính rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, cộng thêm với điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao ở Việt Nam dẫn tới một số chi tiết của dây chuyền chưa phù hợp.
Để xử lý khó khăn này, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Nhà máy đã nghiên cứu, cải tiến để đảm bảo tính đồng bộ, liên hoàn khép kín. Vừa xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, mặt khác phải tạo ra sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Ông Quang cho biết thêm: Đầu tiên rác thải sẽ được đưa qua dây chuyền phân loại để tách các tạp chất như nilon, kim loại… và chỉ giữ lại phần rác hữu cơ. Sau đó, rác tiếp tục được đưa vào lò ủ.
Tại đây khí, vi sinh vật sẽ được phối trộn, bổ sung vào để đẩy nhanh quá trình phân hủy, mặt khác ở quá trình này nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt một phần vi khuẩn, mầm bệnh có hại... Sản phẩm cuối cùng là phân bón hữu cơ vi sinh.
Theo kết quả phân tích được thực hiện tại phòng kiểm định phân bón số 11 thuộc Viện Nông Hóa- Thổ nhưỡng thì phân bón của Nhà máy có chất lượng tốt, hàm lượng hữu cơ cao, không có chất cấm và kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép (theo quy định tại Thông tư số 41/2014/TT-Bộ NN & PTNT).
Do đó, phân bón rất an toàn khi sử dụng cho cây trồng giúp cải tạo chất đất, làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hiệu quả sử dụng các loại phân bón hóa học. Đặc biệt, thích hợp với các loại cây trồng như cây công nghiệp (dứa, chè, mía...), cây ăn quả (cam, quýt, nhãn, vải...), cây rau màu (ngô, đậu, lạc, rau, đậu các loại).
Minh chứng cho điều này, ông Quang tiếp tục dẫn chúng tôi thăm những cánh đồng dứa, sắn, hoa màu có sử dụng phân bón vi sinh của Nhà máy. Những vạt dứa xanh ngút ngàn, nặng quả, những ruộng sắn, ruộng từ đang vào vụ thu hoạch trông thật bắt mắt.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười rạng rỡ của những người nông dân trong niềm vui được mùa. Anh Phạm Xuân Thủy (đội Trại Vòng, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao) cho biết: Thực tình, ban đầu chúng tôi cũng băn khoăn lắm, không biết sản phẩm phân vi sinh mới này thế nào, mua về bón không khéo "tiền mất tật mang".
Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch thì tôi hoàn toàn yên tâm, quả dứa to, mã đẹp, năng suất 1ha lên tới 60 tấn. Tất cả đều là nhờ sản phẩm phân vi sinh của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. "Không chỉ rước năng suất dứa vụ này lên cao mà tôi tin rằng ở những vụ sau, có trồng cây gì cũng tăng năng suất vì loại phân này cải tạo đất rất tốt.
Tôi không trồng cây từ, cây sắn nhưng một số hộ quanh đây họ trồng năng suất khá, cây từ có thể đạt tới 20 tấn/1ha, còn sắn thì cũng phải 15-20 kg/1 hốc", anh Thủy chia sẻ thêm.
Với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thời gian qua, tỉnh ta phải đối diện với một vấn đề hết sức nhức nhối đó là việc thu gom và xử lý rác thải. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh mỗi năm ước tính lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Trong đó phần lớn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị của các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình đều được thu gom và chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung của tỉnh tại thung Quèn Khó (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp).
Khu này được xây dựng từ những năm 2000 với diện tích 6,5 ha, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp. Việc này gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai và không nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương do lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Chính vì lý do đó, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. Nhà máy có chức năng thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ chất lượng cao. Đến thời điểm này nhà máy đã khánh thành và đi vào hoạt động được gần 2 năm. Sau những khó khăn ban đầu, thì việc sản xuất và chế biến rác thành phân hữu cơ đã thành công đúng như mong đợi.
Riêng năm 2016 này, lượng rác mà công ty thu gom, vận chuyển là 31-32 nghìn m3; sản lượng phân loại và xử lý là 15 nghìn tấn; lượng phân vi sinh sản xuất ra là 1.300 tấn. Có thời điểm lượng sản phẩm không đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Như vậy, việc cải tiến kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ để biến rác thải thành sản phẩm phân hữu cơ vi sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt của Ninh Bình.
Rác từ chỗ là vấn nạn môi trường nay đã trở thành nguồn nguyên liệu và hàng hóa thân thiện môi trường, góp phần thiết thực cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Mặt khác về lâu dài đây sẽ là nguồn thu bền vững để duy trì và phát triển hoạt động của nhà máy.
Hà Phương