Phóng viên (PV): Xin ông cập nhật tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm này? Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Theo Tổ chức Thú y thế giới (IOE), đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia với hàng chục triệu con lợn phải tiêu hủy. ở Việt Nam, từ tháng 2/2019 đến nay dịch lây lan nhanh trên phạm vi rộng, tính đến ngày 12/5 bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con (chiếm trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).
Tại Ninh Bình, từ đầu tháng 4/2019, trước áp lực dịch bệnh từ các tỉnh giáp ranh, đặc biệt là Nam Định, Hà Nam do đó tình hình bệnh trên địa bàn có diễn biến rất phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, rộng, đặc biệt xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư đã công bố hết dịch ngày 8/4/2019 nhưng đến ngày 1/5/2019 dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã. Tính đến hết ngày 12/5/2019, dịch bệnh đã và đang xảy ra tại 721 hộ/199 thôn/64 xã của 7 huyện và thành phố, tổng số lợn đã tiêu hủy là gần 6 nghìn con, tương đương trọng lượng tiêu hủy là gần 320 tấn lợn hơi.
PV: Với tình trạng dịch lây lan nhanh, xảy ra trên diện rộng, số lợn mắc bệnh lớn như vậy thì việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh ở tỉnh ta đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Hiện nay, việc xử lý lợn bệnh của chúng ta đang thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp&PTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Theo đó, người chăn nuôi khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải lập tức thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã để cán bộ chuyên môn tới lấy mẫu xét nghiệm, bên cạnh đó có các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh, lập chốt phù hợp.
Sau khi xác định được lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi hoặc có những triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay. Địa điểm tiêu hủy phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa khiến virus phát tán ra ngoài môi trường.
Bước tiếp theo là phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác. Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín để không làm rơi vãi máu và chất thải của lợn trong quá trình vận chuyển. Phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy, người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh.
Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển. Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Kích cỡ hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn, theo quy định phải sâu từ 1,5 - 3 m.
Sau khi đào hố, cần rải bạt, sau đó rải lớp vôi củ (vôi chưa tôi) xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao, phải chứa dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy. Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.
UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra tại các địa phương, một số nơi quy trình xử lý lợn bệnh vẫn chưa đảm bảo, vẫn có trường hợp người dân giấu dịch không báo cho chính quyền địa phương. Việc triển khai tiêu hủy gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, không lựa chọn được địa điểm khiến mầm bệnh lây lan phát tán ra môi trường.
Xin nhấn mạnh một lần nữa là việc tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt buộc và phải thực hiện đúng quy trình, bởi virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp, virus có thể tồn tại trong phân, máu, bài tiết, thịt xương của lợn nhiều tuần cho tới vài tháng.
Do đó, người chăn nuôi vì chính mình và cộng đồng, khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải lập tức thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp xã. Bà con tuyệt đối không được vứt xác lợn chết ra ngoài sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch bởi khi đó việc kiểm soát dịch bệnh tả châu Phi sẽ khó hơn gấp nhiều lần.
PV: Thưa ông! Có thể nói, việc hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bệnh bị tiêu hủy rất quan trọng. Việc này góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan và giúp bà con nhanh chóng ổn định sản xuất. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ cụ thể như thế nào và để sớm nhận được hỗ trợ, các hộ nuôi phải đáp ứng các điều kiện gì?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Ngày 8/5/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 542/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh (dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh), bắt buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật).
Cụ thể: đối với lợn thịt, lợn con các loại mức hỗ trợ là 32 nghìn đồng/1kg thịt hơi; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 48 nghìn đồng/1kg thịt hơi. Đối với lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh đã thực hiện tiêu hủy bắt buộc trên địa bàn tỉnh trước ngày ban hành Quyết định này, mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ cho tất cả các loại lợn là 38 nghìn đồng/1kg thịt hơi.
Sau 30 ngày từ ngày công bố dịch, nếu không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn châu Phi mới, các cơ quan chức năng, bao gồm Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp (tỉnh, huyện, xã) phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương rà soát thống kê, kiểm kê khối lượng, số lượng cụ thể lợn bị tiêu hủy để làm đề xuất hỗ trợ. Thời gian từ khi thống kê đến khi nhận được hỗ trợ tùy vào quy mô, mức độ của dịch cũng như nguồn ngân sách của địa phương. Một điểm lưu ý là chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (Thực hiện)