Chuyên gia và khách mời lý giải xu hướng, trải nghiệm thực tế các công nghệ an toàn trên ôtô cỡ nhỏ, ngay tại buổi công chiếu Car Talks do VnExpress tổ chức.
Xu hướng Công nghệ an toàn trên ôtô cỡ nhỏ
Tọa đàm "Công nghệ an toàn trên ôtô cỡ nhỏ" do VnExpress tổ chức với khách mời Chuyên gia là ông Hoàng Kiên Định (Hải Âu). Vị khách mời là chủ một hệ thống gara sửa chữa ôtô tại Hà Nội, có hơn 20 năm kinh nghiệm, nghiên cứu và theo dõi thị trường ôtô, đặc biệt trong mảng kỹ thuật, công nghệ.
Khách mời tiếp theo là chị Phạm Trà My (33 tuổi, Hà Nội), người sử dụng chiếc Toyota Yaris 2019 thường xuyên di chuyển trong đô thị hàng ngày.
Công nghệ an toàn chủ động là trang bị thường thấy trên các dòng xe hạng sang. Nhưng vài năm gần đây, một số hãng phổ thông đã bắt đầu tích hợp gói công nghệ này cho nhiều dòng xe đời mới.
- Thưa chuyên gia, thế nào là "An toàn chủ động" và "An toàn bị động" trên ôtô? MC Car Talks đặt câu hỏi.
- Chuyên gia Hoàng Kiên Định: An toàn bị động là những tính năng sẽ can thiệp sau khi va chạm xảy ra, giúp bảo vệ và hạn chế tối đa chấn thương cho hành khách bên trong xe. Ví dụ cho tính năng an toàn bị động là túi khí. Khi xảy ra va chạm (đến một mức độ nhất định), túi khí sẽ bung để bảo vệ tính mạng của người ngồi bên trong xe.
An toàn chủ động là những tính năng được kích hoạt sớm, nhằm cảnh báo hoặc hỗ trợ người lái trước khi xảy ra va chạm, hay còn gọi là các tính năng "đón đầu va chạm". Ví dụ điển hình là tính năng Hỗ trợ cảnh báo tiền va chạm PCS, Hỗ trợ cảnh báo lệch làn đường LDA hay Đèn chiếu xa tự động AHB...
- Tại sao những mẫu xe cỡ nhỏ, tầm giá hơn 600 triệu đồng ngày nay lại được trang bị nhiều tính năng an toàn đến vậy?
- Chuyên gia Hoàng Kiên Định: Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, khi người dùng trẻ ngày nay có yêu cầu cao hơn về các tính năng công nghệ trên ôtô, đặc biệt là tính năng an toàn.
Ở khía cạnh của nhà sản xuất, các gói công nghệ an toàn là yếu tố giúp thu hút người dùng, tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ cùng tầm giá. Cuối cùng, người được lợi tất nhiên là người dùng. Họ sẽ được trải nghiệm những công nghệ mà trước đây, vốn chỉ xuất hiện trên xe cao cấp.
Ngoài ra, những công nghệ cao cấp sau một thời gian được trang bị trên xe sang, sẽ được nhiều hãng đưa xuống xe phổ thông. Bởi khi công nghệ trở nên phổ biến, được sản xuất nhiều hơn thì chi phí sẽ rẻ đi theo thời gian.
Vài năm trước đây, người dùng chọn mua xe thường quan tâm đến các tính năng an toàn bị động như: xe có bao nhiêu túi khí, có phanh đĩa cả 4 bánh hay không, có cảm biến, camera lùi hay không... Nhưng giờ đây, khi các tính năng đó đã trở thành cơ bản, người dùng đã bắt đầu quan tâm đến những tính năng cao cấp hơn.
Nói về lý do khi chọn mua chiếc Toyota Yaris hồi 2019, khách mời Trà My cho biết, chị mua xe theo nhu cầu của bản thân, chỉ quan tâm đến các tính năng an toàn cơ bản. "Hồi 2019 mình chọn mua chiếc Toyota Yaris bởi đây là mẫu xe nhỏ gọn, rất lành và dễ di chuyển trong thành phố, phù hợp để sử dụng hàng ngày", Trà My nói. "Khi đó, về công nghệ an toàn, mình chỉ quan tâm đến xe có bao nhiêu túi khí và có phanh ABS hay không".
Chuyên gia Hoàng Kiên Định cho biết, hiện tại với tầm giá hơn 600 triệu đồng, người dùng có thể sở hữu những mẫu xe nhiều công nghệ an toàn cao cấp như: Cảnh báo tiền va chạm PCS, Cảnh báo điểm mù trên gương BSM, Cảnh báo lệch làn đường LDA... Thậm chí, Toyota còn trang bị gói công nghệ an toàn cao cấp TSS (Toyota Safety Sense), gồm hàng loạt các tính năng an toàn, hỗ trợ người dùng trong nhiều tình huống khi tham gia giao thông.
"Gói an toàn TSS dường như đang trở thành trang bị tiêu chuẩn cho các dòng xe Toyota bán ra tại Việt Nam", vị chuyên gia nhận định.
- Ông có nhận định ra sao về xu hướng này của Toyota tại Việt Nam?
Chuyên gia Hoàng Kiên Định: Đây là những tính năng từng xuất hiện trên dòng xe Lexus cao cấp với tên gọi Lexus Safety Sense (LSS). Hiện tại, các tính năng này đã được Toyota sử dụng cho các mẫu xe phổ thông, giúp hỗ trợ người dùng trong nhiều tình huống tham gia giao thông phức tạp.
Vô lăng Toyota Veloz Cross được trang bị nhiều nút bấm tinh chỉnh chức năng. Ảnh: TMV.
Kết thúc phần tọa đàm, hai khách mời của chương trình cùng trải nghiệm thực tế các tính năng của gói công nghệ Toyota Safety Sense trên Veloz Cross - mẫu MPV hạng B nhiều công nghệ an toàn bậc nhất trong phân khúc.
Đầu tiên là Hệ thống cảnh báo tiền va chạm PCS (Pre-Collision System). Bối cảnh đặt ra là chiếc Veloz Cross đang di chuyển với tốc độ khoảng 15 km/h, tiến gần đến vật cản ở phía trước. Đến khoảng cách nhất định, hệ thống radar tự động phát hiện vật cản, đồng thời đưa ra cảnh báo (bằng âm thanh và hình ảnh) cho người lái. Khi phát hiện người lái không tác động phanh (để giảm tốc), xe sẽ tự động phanh nhằm ngăn không cho va chạm xảy ra.
"Đây là tính năng rất hữu ích khi di chuyển trên đường phố. Sẽ hạn chế tối đa va chạm mỗi khi người lái không tập trung", chuyên gia nói khi đang trải nghiệm tính năng trên Veloz Cross.
Hệ thống Cảnh báo lệch làn đường LDA (Lane Departure Alert) sẽ đưa ra cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh, mỗi khi phát hiện xe di chuyển lệch làn đường ngoài chủ đích của tài xế. Nếu tài xế bật xi-nhan và chuyển hướng, LDA sẽ không đưa cảnh báo.
Toyota Veloz Cross trong một chuyến trải nghiệm. Ảnh: TMV.
Tính năng Kiểm soát vận hành chân ga PMC (Pedal Misoperation Control) sẽ tự động phanh gấp, mỗi khi phát hiện người lái tăng tốc mất kiểm soát và phía trước xe có vật cản. Trong thử nghiệm của chuyên gia, chiếc Veloz Cross đứng yên tại chỗ và tăng tốc tức thì, trong khi phía trước có vật cản. Đến gần vật cản, xe tự động phanh dù người lái đang đạp hết chân ga.
"Tính năng kiểm soát chân ga rất hữu ích trong trường hợp người lái nhầm chân phanh, chân ga - nguyên nhân gây ra những vụ "xe điên" trên phố", ông Hoàng Kiên Định nói.
Tính năng Cảnh báo phương tiện phía trước khởi hành FDA (Front Departure Alert) hữu ích khi xe di chuyển trong đô thị, phải "xếp hàng" mỗi khi chờ đèn đỏ, hoặc tắc đường. Lúc này, nếu phát hiện xe phía trước đã di chuyển, mà người lái Veloz Cross chưa tăng tốc, xe sẽ phát ra tín hiệu (bằng hình ảnh và âm thanh), nhắc nhở người lái khởi hành.
Hệ thống Cảnh báo điểm mù BSM (Blind Spot Monitoring) đưa cảnh báo hình ảnh trên mặt gương chiếu hậu, mỗi khi phát hiện có phương tiện, vật cản rơi vào điểm mù trên xe. Nếu người lái bật đèn báo rẽ, BSM sẽ phát thêm tín hiệu bằng âm thanh.
Cảnh báo người và phương tiện cắt ngang phía sau RCTA (Rear Cross Traffic Alert) sử dụng cảm biến phía sau, để cảnh báo người lái trong trường hợp lùi xe mà có vật cản. Đây là tính năng hữu ích, hỗ trợ người lái khi di chuyển trong không gian hẹp.
"Sau khi trải nghiệm hàng loạt tính năng an toàn trên mẫu xe thế hệ mới này, mình ấn tượng nhất với tính năng Cảnh báo điểm mù, sẽ giúp mình tránh được rất nhiều tình huống va chạm không đáng có khi lái xe hàng ngày", khách mời Trà My nói. "Nếu có dự định đổi xe trong thời gian tới, mình sẽ cân nhắc nhiều hơn đến những tính năng an toàn thú vị này".
Cuối chương trình, Chuyên gia Hoàng Kiên Định đưa khuyến cáo người lái không nên phụ thuộc vào những tính năng an toàn chủ động này, bởi đây chỉ là yếu tố mang tính hỗ trợ.
"Trong mọi tình huống tham gia giao thông, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Những tính năng an toàn cao cấp nhất hiện nay chỉ có vai trò hỗ trợ, chứ chưa thể thay thế hoàn toàn người lái", chuyên gia Hoàng Kiên Định nói.