Gia đình ông Nguyễn Thế Định, thôn Đức Thành là một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế đồi rừng. Với diện tích gần 2 ha, ông Thành trồng keo, nuôi lợn kết hợp với nuôi gà và thả cá, mỗi năm cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng.
Ông Định chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế của mình: Để tăng giá trị kinh tế của rừng trồng, ngay từ đầu phải sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng, bên cạnh đó quá trình trồng rừng cũng phải thực hiện bài bản, đúng quy trình kỹ thuật, có như vậy thì năng suất rừng mới cao.
Tuy nhiên, rừng cần rất nhiều thời gian mới cho thu hoạch, phải tìm ra một nguồn thu khác để lấy ngắn nuôi dài, do vậy từ nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình, tôi đã cải tạo lại thành ao cá với diện tích mặt nước gần 4.000 m2 để nuôi cá thương phẩm; ngoài ra tận dụng tán cây rừng, tôi thả nuôi 2.500 con gà và hơn 100 con lợn, cả lợn thịt và lợn nái.
Một năm xuất chuồng 18 tấn lợn hơn và hơn 4 tấn gà. Gà nuôi thả, thịt thơm ngon nên giá bán khá cao và dễ tiêu thụ. Với cách làm này, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Cũng là điển hình trong phát triển kinh tế nhưng với ông Hoàng Hữu Đình lại có cách làm khác. Với quỹ đất không nhiều, ông Đình chọn cây thanh long để làm giàu. Ông Đình cho hay: Mảnh vườn hơn 2.000 m2 của gia đình 7 năm trước đây trồng nhãn, vải.
Năm nào cũng một lần cắt tỉa, bón phân nhưng quả thì năm có, năm không. Thấy một số nơi bà con trồng thanh long cho hiệu quả cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc, tôi đi tìm hiểu và bỏ vốn đầu tư trồng gần 300 gốc thanh long.
Thật bất ngờ, cây thanh long rất phù hợp với đồng đất, khí hậu ở vùng núi này. Chỉ sau 1 năm, cây đã cho những lứa quả đầu tiên, rất sai, to và ngọt. Hiện mỗi năm gia đình ông thu 7-8 lứa thanh long, tương đương với 40-60 triệu đồng.
Nằm ở cực Bắc của tỉnh Ninh Bình, Xích Thổ có diện tích khá lớn, tuy nhiên phần đất nông nghiệp lại bị xen kẹp giữa các dãy núi cao, sản xuất hết sức khó khăn. Ngoài trồng cây lâm nghiệp, còn lại các cây trồng khác đều không mấy hiệu quả.
Do vậy, không còn cách nào khác, kinh tế đồi rừng vẫn là mấu chốt trong chính sách phát triển kinh tế của xã. Nhưng, làm thế nào để nâng cao giá trị thu nhập từ rừng? Để giải bài toán này, thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng kinh tế đồi rừng.
Trong đó có việc nỗ lực thu hút các dự án hỗ trợ trồng rừng, đồng thời quy hoạch chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Hiện toàn xã đã chuyển đổi được 400 ha từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; phổ biến là phát triển cây nguyên liệu keo, bạch đàn; 1 ha loại này, sau 5 năm có thể thu được 70-80 triệu đồng. Ngoài ra, khi keo, bạch đàn chưa có tán thì bà con còn trồng xen phía dưới các loại cây ngắn ngày như sắn, đậu kết hợp với chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, xã cũng đã xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi gà thả đồi, trồng thanh long ruột đỏ, mô hình nuôi con đặc sản….Đặc biệt là nghề nuôi ong lấy mật ở Xích Thổ đang phát triển khá mạnh với cả chục hộ nuôi ong và hàng trăm đàn ong.
Cùng với phát triển nông, lâm nghiệp, Xích Thổ còn tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng của các ngành này trong cơ cấu kinh tế của xã.
Hiện toàn xã còn có gần 1.700 hộ với hơn 2.400 lao động tham gia các loại hình thương mại, ngành nghề với bình quân thu nhập gần 4 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc đầu tư vào sản xuất, xã còn huy động nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã những năm qua đã tăng đáng kể. Năm 2016, dự kiến đạt khoảng 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 12%, hộ cận nghèo là 8,8%.
Từ sự phát triển tương đối toàn diện ở lĩnh vực kinh tế, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Xích Thổ cũng có bước chuyển biến tích cực. Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã phát huy được tinh thần vượt khó vươn lên của người dân vùng quê có truyền thống cách mạng.
Từng hộ dân đều được tuyên truyền để tự giác hưởng ứng phát triển kinh tế hộ, tham gia các mô hình sản xuất, góp công, kinh phí, hiến đất để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi, công cộng khác.
Hơn 5 năm qua, toàn xã đã đầu tư, huy động hơn 4 tỷ đồng để xây dựng hàng chục tuyến đường giao thông; kiên cố hóa 2,5 km kênh mương, thủy lợi nội đồng. Thời điểm này, xã đã cơ bản hoàn thành 14/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hà Phương