Tuy vậy, khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Gia Vân cũng như các địa phương khác trong huyện gặp nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, hệ thống giao thông thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu; các trường học chưa đảm bảo cho việc dạy và học; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thu nhập bình quân mới đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Khi đó xã mới chỉ có 4 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí cơ bản đạt còn 11 tiêu chí chưa đạt. Sau 5 năm thực hiện chương trình, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã nỗ lực phấn đấu, đến tháng 9/2015 đạt thêm 14 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt chuẩn nên 18 tiêu chí (tiêu chí chợ không có) và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.Xác định XDNTM là một chương trình liên tục, lâu dài; để phát triển bền vững và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới thì nhiệm vụ của công tác XDNTM giai đoạn 2016-2020 chính là việc tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhằm đưa Gia Vân trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và sau 5 năm (kể từ khi được công nhận đạt chuẩn năm 2015) thì được công nhận lại. Xã phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp hoàn thiện toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn; 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; nâng cấp hệ thống trường học, xây thêm 10 phòng cho trường mầm non và 6 phòng cho trường tiểu học; đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phát triển dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn; phấn đấu thu nhập bình quân ước đạt 45 triệu đồng/người/năm; mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5-1%; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom phế thải, rác thải ở nông thôn; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự nông thôn...Tổng kinh phí cần khoảng 77.380 triệu đồng. Một số công việc đã và đang được triển khai thực hiện là: Kè kênh tiêu thoát nước và trồng cây xanh dọc theo đường vào khu du lịch đất ngập nước Vân Long; mua sắm trang thiết bị cho các trường học và xúc tiến xây dựng thêm các phòng cho trường mầm non, tiểu học; xây dựng sân vận động và nhà văn hóa cho thôn Phú Long; mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong chăn nuôi, nuôi thả cá và lúa-cá...
Theo đồng chí Lê Quang Lực, Phó chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh xã đăng ký XDNTM kiểu mẫu phải là những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Gia Vân (Gia Viễn); Ninh Giang (Hoa Lư); Đồng Hướng (Kim Sơn); Đồng Phong (Nho Quan); Khánh Thành (Yên Khánh); Yên Từ (Yên Mô) và Quang Sơn (Tam Điệp).
Sắp tới Ban chỉ đạo tỉnh sẽ bàn, thống nhất tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Ninh Bình. Theo đó, các xã phải đạt chuẩn các tiêu chí theo Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh. Về quy hoạch, phải có quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đảm bảo việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và được công khai, nghiêm túc thực hiện theo.
Về giao thông: Tại các nút giao cắt, điểm giao thông nguy hiểm đường trục xã có biển báo; khu trung tâm xã, dân cư tập trung có cống rãnh thoát nước, có nắp đậy, có vỉa hè và hệ thống chiếu sáng; đường trục xã được trồng cây xanh, hoa 2 bên đường; có quy định về quản lý, sử dụng và được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.
Trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và ít nhất có một trường đạt chuẩn mức độ 2. Cơ sở vật chất văn hóa: Trung tâm văn hóa xã và nhà văn hóa thôn, xóm được trang bị các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhân dân; được khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Phát triển sản xuất: Có đề án phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với lợi thế của địa phương; có các mô hình mẫu, hiệu quả kinh tế cao, sản xuất hữu cơ, có liên doanh, liên kết, tham gia chuỗi giá trị; các hộ, các cơ sở sản xuất trên địa bàn cam kết sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cơ giới hóa trên 80%; diện tích đất nông nghiệp áp dụng tiến bộ mới của ngành nông nghiệp đạt trên 60%.
Về giáo dục, y tế, môi trường: Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2; người dân tham gia BHYT từ 90% trở lên; tỷ lệ thôn, xóm được công nhận "Làng văn hóa" đạt từ 80% trở lên; các di sản văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo vệ; có quy định về văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, cưới, tang, lễ hội; tỷ lệ hộ, gia đình sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 100%; các tuyến kênh, đường được vệ sinh sạch sẽ, có tổ chức đoàn thể nhận bảo quản, tôn tạo, thu dọn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và xử lý nước thải, chất thải đúng quy định; rác thải được thu gom triệt để, xử lý đúng quy định; các cơ sở kinh doanh ăn uống, lương thực, thực phẩm được công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Về hệ thống chính trị và an ninh trật tự: Đảng bộ xã 3 năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể phải đạt từ loại khá trở lên, trong đó ít nhất có 2 đoàn thể đạt xuất sắc; 100% số thôn, xóm được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự; công an xã đạt danh hiệu Quyết thắng, không có cá nhân cơ hội, bất mãn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.; không có vụ việc tham nhũng kinh tế, vi phạm môi trường, cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng; kiềm chế và giảm được tội phạm ma túy, cờ bạc; không có trọng án và hoạt động có tính chất côn đồ, bạo lực...
Như vậy, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu chính là việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn với mức độ cao hơn.
Đinh Chúc