Tuy nhiên, kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đặc biệt là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của người dân, trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý văn hóa, giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ chưa kịp thời, hiệu quả còn thấp.
Văn hóa trong kinh tế, trong gia đình đang nổi lên những vấn đề đáng lo ngại; văn hóa công sở nhiều nơi chưa được đề cao; việc xây dựng giá trị, bản sắc tốt đẹp, đặc trưng của văn hóa con người Ninh Bình còn chưa rõ nét...
Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, ngày 26/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Nghị quyết nhấn mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, kiên trì, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhân dân là chủ thể sáng tạo và đội ngũ trí thức là nòng cốt.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; đậm nét đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư văn hiến; hướng đến các giá trị văn hóa hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn kết chặt chẽ việc xây dựng nông thôn mới với xây dựng đô thị văn minh, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết lần này cũng xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó trọng tâm là xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng trong xã hội. Chăm lo xây dựng con người Ninh Bình có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang đậm đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể và 5 nhóm giải pháp, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Tập trung nguồn lực của nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Tạo dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng Ninh Bình.
Có thể khẳng định, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình là đúng thời điểm và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội hiện nay. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, trước hết, các cấp ủy Đảng tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, coi việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sát, đúng, khả thi và quyết tâm tổ chức thực hiện là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định để Nghị quyết phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống.
Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hóa Nghị quyết thành những nội dung tuyên truyền phù hợp; vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết...
Với sự đồng thuận và quyết tâm cao, tin rằng Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo nên sự chuyển biến toàn diện cho văn hóa, con người Ninh Bình.
Minh Châu