Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, TDTT được triển khai tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả, có bước tiến bộ rõ nét, thực sự đi vào chất lượng, đảm bảo kịp thời, nhạy bén, đạt hiệu quả cao trong phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân. Trong năm 2017 đã dàn dựng 16 chương trình nghệ thuật, thực hiện 146 buổi biểu diễn các chương trình nghệ thuật; tổ chức 4 đợt phim và thực hiện 874 buổi chiếu phim (tăng 12% so với năm 2016), phục vụ cho trên 69,6 nghìn lượt người xem, trong đó có 550 buổi chiếu phim lưu động phục vụ người xem tại các trường học, bệnh viện và các xã vùng sâu, vùng xa. Luân chuyển trên 255 nghìn lượt sách báo, trong đó có 230 nghìn lượt sách, báo, tạp chí về cơ sở, phục vụ trên 125 nghìn lượt bạn đọc. Đón trên 285 nghìn lượt khách tham quan khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, tăng 21,8% so với năm 2016 (trong đó khách quốc tế là 131 nghìn lượt, tăng trên 11% so với năm 2016). Đồng thời tổ chức 8 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, 1 triển lãm tranh cổ động, 4 cuộc trưng bày lưu động các chuyên đề bảo tàng…
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, việc quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nề nếp, ổn định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.499 di tích, trong đó có 79 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia (có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt), 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và 235 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 242 lễ hội, 76 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 45 nghề thủ công truyền thống, 36 tập quán xã hội. Trên địa bàn tỉnh có các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Lư, chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An, hội đền Thái Vi, hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê… và nhiều làng nghề truyền thống như nghề mộc Phúc Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, chiếu cói Kim Sơn, thêu ren Ninh Hải…
Trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa, công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích đã được các địa phương quan tâm. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, ổn định, đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước. Các lễ hội được tổ chức trang trọng cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại; phần hội được các địa phương tổ chức lồng ghép hoạt động tâm linh với hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, tạo không khí sôi động nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm đồng tình ủng hộ, hưởng ứng cao. Đến nay tỉnh Ninh Bình có 1 bảo tàng, 1 nhà văn hóa cấp tỉnh, 7/8 nhà văn hóa cấp huyện (riêng thành phố Ninh Bình chưa có nhà văn hóa). Đối với cơ sở, 131/145 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao, đạt 90,3%; 1.504/1.679 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao, đạt 89,6%. Số gia đình văn hóa được công nhận là trên 246 nghìn gia đình, đạt 87,5%; số gia đình văn hóa tiêu biểu là trên 21 nghìn, đạt 8,78%; làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận là 756/847, đạt 89,26%...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118 thực hiện Nghị quyết số 10. Mục tiêu chung là bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuẩn mực đạo đức, nếp sống, lối sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc và vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, văn minh, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, tạo nên nguồn lực tinh thần quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững.
Tỉnh Ninh Bình đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 đạt được là: Có từ 85-90% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; từ 80-90% làng, phố, thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa; 75% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; từ 50-55% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 85% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đồng thời có từ 95-100% làng, phố, thôn, bản và từ 80,7-85% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chuẩn chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; có 95% cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Đến năm 2030, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu như: 100% huyện, thành phố có nhà văn hóa thanh thiếu nhi hoặc trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi, có thư viện, sân vận động đạt tiêu chuẩn; 90% di tích cấp Quốc gia và 85% di tích cấp tỉnh xuống cấp được tu bổ, tôn tạo; 100% nhà trường đạt trường học văn hóa và đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy. Hoàn thành đầu tư xây dựng Nhà hát đa năng, có phòng biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, trưng bày triển lãm tại Trung tâm thành phố Ninh Bình. Nâng chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm tỉnh, thành phố tốp đầu cả nước. Có 95% lao động qua đào tạo; thu hút, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành văn hóa, văn nghệ tăng từ 3-5% qua các nhiệm kỳ…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; giải pháp về huy động và khai thác nguồn lực và giải pháp về phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng, giữ gìn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người Ninh Bình, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử và các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; hướng đến xây dựng hình ảnh con người Ninh Bình văn minh, hiện đại và mang đậm đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Mỹ Hạnh