Theo chia sẻ của nhiều hộ làm mắm tép ở Gia Viễn: Bây giờ đã có thêm phương tiện để riu tép, để chế biến mắm tép nên cũng đỡ cực hơn xưa. Nhưng, làm mắm tép thời nào cũng vậy, điều tiên quyết vẫn phải tuân thủ là cẩn thận, sạch sẽ ở từng khâu chế biến. Chính nhờ nguyên tắc làm nghề khắt khe này vẫn tiếp tục được duy trì đến tận ngày nay mà mắm tép Gia Viễn dù là một món ăn dân giã, được làm thủ công nhưng lại luôn được thị trường tin cậy, nức tiếng gần xa về độ thơm, ngon. Thậm chí nhiều người còn mua về để làm quà biếu vào những dịp lễ, tết quan trọng.
Đặc biệt từ năm 2016, thực hiện Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phát động, các hộ đã ký cam kết sản xuất mắm tép an toàn vệ sinh thực phẩm và tham gia mô hình sản xuất mắm tép an toàn. Nhiều hộ được hỗ trợ mua sắm các thiết bị lọc nước, vệ sinh nơi chế biến, rồi hoàn thiện các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn… Và với việc được đóng gói cẩn thận, có ghi rõ nơi sản xuất, có giấy chứng nhận vệ sinh, chai mắm tép Gia Viễn đã xuất hiện nhiều hơn ở các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, các hội chợ thương mại và một số cửa hàng nông sản an toàn ở thành phố Ninh Bình, Tam Điệp…
Là đặc sản nức tiếng của địa phương, lại có quy trình chế biến khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm song mắm tép Gia Viễn đa phần vẫn còn được sản xuất nhỏ lẻ, chỗ đứng trên thị trường chưa thực sự vững chắc. Chính bởi lẽ đó, Hội Nông dân huyện Gia Viễn đã phối hợp với Trung tâm phân bón đất miền trung du xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mắm tép Gia Viễn nhằm khai thác, phát triển đặc sản của quê hương và cũng là để đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng, đặc biệt là du khách. ở chương trình phối hợp, việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo tồn, khai thác, về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến mắm tép… được chú trọng. Nét mới là công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm được thực hiện ngay ở các tuyến du lịch trên địa bàn huyện.
Các nội dung của chương trình phối hợp còn tập trung vào việc xây dựng các biện pháp để bảo tồn và nhân rộng loại hình văn hóa ẩm thực đặc sắc này với hơn 100 hộ sản xuất mắm tép, sản lượng cung cấp cho thị trường bình quân đạt hơn 100 nghìn lít mắm tép/năm, giá bán dao động từ 120-150 nghìn đồng/lít. Doanh thu từ mắm tép đạt khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm trở lên. Sau khi trừ chi phí mỗi cơ sở có quy mô sản xuất lớn thu nhập bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Nhờ đó đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động thường xuyên và hơn 80 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 2,7 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có thêm nhiều điểm bán mắm tép, các cơ sở sản xuất có quy mô cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Được biết trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Gia Viễn tiếp tục phối hợp thực hiện giai đoạn 2 thông qua việc tổ chức hội nghị thông báo quyết định và giới thiệu logo, ra mắt nhãn hiệu tập thể mắm tép Gia Viễn với các hộ sản xuất mắm tép trên địa bàn huyện, phát động, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cá thể cho sản phẩm mắm tép của địa phương.
Đào Duy