Cửa hàng nông sản an toàn Kim Anh, đường 10, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) mới được khai trương dưới sự trợ giúp của Hội Nông dân tỉnh đã thu hút nhiều khách hàng đến chọn mua và được sử dụng thực phẩm an toàn. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, chủ cửa hàng cho biết, được sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân tỉnh trong việc kết nối giữa người nông dân trực tiếp sản xuất đến chủ cửa hàng nên nhiều sản phẩm bán ra tại cửa hàng Kim Anh có nguồn gốc ở Ninh Bình, đảm bảo được sự tươi ngon, chất lượng cũng như cạnh tranh về giá cả.
Tiêu biểu như các sản phẩm rau xanh do Công ty cổ phần thực phẩm á Châu (Ninh Bình), thịt dê của Hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình; mắm tép Thủy Tới (huyện Gia Viễn); giò chả Hải Thơm (xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn); trứng của doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) và nhiều sản phẩm gạo, lạc, đỗ, bánh, kẹo đặc sản của các doanh nghiệp đã được đăng ký chất lượng hàng Việt Nam chất lượng cao... Tất cả các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều là những sản phẩm được kiểm tra định kỳ, được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng. Sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua quá trình chọn lọc khắt khe, từ nguồn giống, quy trình sản xuất, chăn nuôi cho đến quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn. Những tiêu chí và quy định chặt chẽ này tại các chợ truyền thống không có được.
Tại Cửa hàng nông sản an toàn Phương Dung, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) có hàng chục kệ hàng với hàng trăm mặt hàng thực phẩm, trong đó chủ yếu là thịt lợn, rau, củ, quả, bánh kẹo… hiện được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn huyện tìm đến sử dụng. Đây cũng là cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên được mở tại huyện Kim Sơn theo Đề án "Nói không với thực phẩm bẩn" do Hội nông dân huyện phát động. Tất cả các mặt hàng tại đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và được bảo quản trong điều kiện vệ sinh an toàn. Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu đều có tem, nhãn phụ niêm yết đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng của sản phẩm. Chị Trần Thị ái Liên, một khách hàng cho biết, từ khi cửa hàng mở cửa gần 2 năm nay, chị đều đến đây để mua các loại thực phẩm sạch, an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình, bởi tất cả các mặt hàng tại đây đều có nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, được lấy từ các cơ sở sản xuất an toàn đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Chị Phạm Hà Phương Dung, chủ Cửa hàng nông sản an toàn Phương Dung, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) chia sẻ: Cửa hàng có diện tích hơn 80m2, bày bán hơn 100 sản phẩm, đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng, được bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật. Một số sản phẩm đặc sản của Ninh Bình được cửa hàng ký hợp đồng và bán khá chạy như giò chả Hải Thơm (Kim Sơn); bún, miến của thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh); rau, củ, quả an toàn của HTX rau an toàn Khánh Thành, HTX Phúc Long (Yên Khánh); tinh bột nghệ của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp); rượu Lai Thành, nước mắm Kim Hải, trứng gà sinh học, nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, thịt dê Ninh Bình và một số sản phẩm của các vùng, miền khác trong cả nước, như thịt lợn thảo mộc của Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Bắc Bình; các loại gạo của Tập đoàn Hạt Ngọc Trời... Các nguồn hàng tại đây đều được nhập từ các cơ sở sản xuất theo quy trình VietGAP, nguồn thực phẩm sạch, sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng, uy tín cho khách hàng.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ năm 2016, Hội Nông dân tỉnh bắt đầu triển khai Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", qua đó triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Các mô hình được hỗ trợ và triển khai thực hiện bước đầu cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do chưa có nơi tiêu thụ nông sản ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định khiến người sản xuất không yên tâm... Để giúp người dân tham gia sản xuất nông sản an toàn có đầu ra ổn định, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chuỗi cửa hàng nông sản an toàn tại tất cả các huyện, thành phố, nhằm kết nối giữa người tiêu dùng với nông dân sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.
Theo đó, để xây dựng các cửa hàng nông sản an toàn, các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ một số hộ có nhu cầu mở cửa hàng nông sản về mặt bằng, kệ trưng bày hàng hóa, biển cửa hàng và giới thiệu nguồn thực phẩm an toàn tại các địa chỉ sản xuất nông sản an toàn tại địa phương. Các cửa hàng nông sản an toàn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, như kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa phải là nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; có giá cả hợp lý; do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh. Nguồn hàng cung ứng tại cửa hàng đều phải có nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được nguồn gốc, hàng hóa phải có bao bì, nhãn hiệu, hạn sử dụng rõ ràng. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 12 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng nông sản an toàn tại 8 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Với những kết quả bước đầu trong việc xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các mối liên kết giữa các hợp tác xã rau an toàn, chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trong năm 2019, Hội sẽ tiếp tục khảo sát, hỗ trợ và triển khai thêm các cửa hàng nông sản an toàn khác, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
Hạnh Chi