Nhiều "cửa ải" khó Con đường "huyết mạch" trong phát triển kinh tế- xã hội của xã vùng cao Kỳ Phú kéo dài xuyên suốt từ bản Xăm- Sáng- Vóng- Thường Xung- Đồng Chạo chưa được cứng hóa nên vào mùa mưa người dân đi lại hết sức khó khăn.
Ông Đinh Văn Lý, bản Thường Xung cho biết: Con đường này dài chưa đầy 7 km nhưng để đi đến trụ sở UBND xã chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ, vào mùa mưa bà con phải đi bộ vì đường đất bết dính, xe máy không đi được, các cháu học sinh đi học rất vất vả.
Đặc biệt, con đường này là trục chính của xã tập trung đông dân cư nên việc vận chuyển hàng hóa của bà con trong vùng gặp nhiều hạn chế, do đó sản phẩm của người dân làm ra bao giờ cũng bị người mua từ nơi khác đến ép giá rẻ hơn so với thực tế ở thị trường.
Chính vì thế, người dân Kỳ Phú rất mong muốn Nhà nước đầu tư nâng cấp xây dựng trục đường này để tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù thời gian qua, Kỳ Phú đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng một số tuyến đường nhánh, đường liên thôn, liên xã, nhưng đến nay toàn xã mới chỉ làm được hơn 4km đường nhánh, nhóm hộ, bê tông hóa 2,5km đường trục thôn từ bản Phùng Thượng đến bản Vóng theo tiêu chí nông thôn mới.
Điều này đồng nghĩa với việc để thực hiện tiêu chí giao thông, Kỳ Phú phải hoàn thành hơn 50km đường nhánh, nhóm. Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Đối với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Kỳ Phú đây là thử thách khó vượt qua nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không chỉ "loay hoay" với bài toán khó về giao thông mà tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo cũng là "nút thắt" khó gỡ đối với Kỳ Phú. Là một xã thuần nông nhưng việc sản xuất nông nghiệp còn manh mún và chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do nhân dân sản xuất không có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Thêm vào đó, các lĩnh vực công nghiệp, TTCN, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện "một sớm một chiều".
Để tăng mức thu nhập, thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; chuyển đổi những diện tích trồng lúa, cây màu không hiệu quả sang trồng các cây công nghiệp ngắn ngày; chú trọng chuyển đổi các diện tích không chủ động được nước tưới ở các bản Xanh, Xăm, Phùng Thượng, Sạng, Vóng, Thường Xung, Đồng Chạo chuyển sang các cây trồng có năng suất và thu nhập cao như cỏ voi, cây ngô làm thức ăn chăn nuôi, phục vụ cho vùng nguyên liệu chăn nuôi gia súc của Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn của mình, chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn.
"Với nền kinh tế thuần nông, để đạt mức thu nhập 15 triệu đồng/người/năm như hiện tại đã là một nỗ lực vượt bậc của Kỳ Phú, cho nên, việc nâng mức thu nhập lên mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã vẫn rất khó khăn" - đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Đối với tiêu chí hộ nghèo, bằng nhiều giải pháp tích cực phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân, đến năm 2015, Kỳ Phú đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19%. Mặc dù xã đã đề ra nhiều giải pháp để phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết hộ nghèo là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc tự thân thoát nghèo là rất mong manh.
Cần có cơ chế đặc thù
Có thể thấy, con đường về đích nông thôn mới đối với Kỳ Phú còn "rất xa". Nguyên nhân chính khiến lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Phú kéo dài, theo ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã thì "Khát" vốn, thiếu nguồn đầu tư là hai nguyên nhân chính dẫn đến Kỳ Phú gặp nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù thời gian qua, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học...đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Tuy nhiên, với địa bàn miền núi rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động sự đóng góp về kinh phí có nhiều hạn chế. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia.
Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, là xã vùng cao với dân số trên 75% là người dân tộc Mường, địa hình phức tạp, phần lớn là vùng đồi núi có độ dốc cao; dân cư sống phân tán, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao…, do đó đến hết năm 2015 xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí, còn 11 tiêu chí chưa đạt bao gồm: thủy lợi, giao thông, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn. Trong đó khó khăn nhất là tiêu chí: giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định sẽ duy trì và củng cố 8 tiêu chí đã hoàn thành, phấn đấu hoàn thành tiếp 5 tiêu chí, đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới.
Trong 2 năm 2016-2017, xã sẽ tập trung thực hiện 3 tiêu chí đó là giao thông nông thôn, môi trường và hình thức sản xuất. Có thể thấy mục tiêu này đối với xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Kỳ Phú là hết sức khó khăn.
Hơn bao giờ hết, cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Phú cũng như huyện Nho Quan cần có nhiều quyết sách hợp lý nhằm thu hút vốn đầu tư, tài trợ từ nhiều phía có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để rút ngắn chặng đường về đích nông thôn mới, Kỳ Phú cũng rất cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ từ phía Nhà nước để giải quyết những khó khăn.
Trong đó mục tiêu trước mắt là tạo điều kiện để đầu tư nâng cấp tuyến đường liên thôn từ bản Xăm- Sạng- Vóng- Thường Xung- Đồng Chạo để tạo điều kiện đi lại cho nhân dân địa phương và lưu thông sản phẩm hàng hóa.
Đồng thời quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn cùng với địa phương triển khai các chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí về kinh tế trong xây dựng nông thôn mới.
Lê Phúc Nguyên