Về xã Chất Bình những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay ở một vùng quê vốn thuần nông. Nhưng so với nhiều địa phương khác chúng tôi đã từng đi, Chất Bình vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường giao thông bị xuống cấp, kinh tế chưa có bước đột phá, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Chất Bình cho biết: Hiện nay, tiêu chí khó thực hiện nhất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đối với địa phương là tiêu chí giao thông, thu nhập, môi trường.
Toàn xã có 37 đường dong thôn xóm nhưng mới có 50% trong số đó được đổ bê tông, cứng hóa theo quy chuẩn; 5 trục đường liên xã nối dài tới đường vào đò 10 đều đang ở dạng đường đất hoặc đổ đá cấp phối lâu năm đã xuống cấp với nhiều ổ gà, ổ voi gây khó khăn cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa hạn chế do trên địa bàn xã ít có doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Chất Bình là một xã nghèo, nên việc huy động vốn đóng góp từ nhân dân rất khó khăn.
Phát triển kinh tế ở Chất Bình chưa có nhiều nổi bật, chủ yếu là phát triển kinh tế nông nghiệp một năm 2 vụ lúa với diện tích trên 340 ha/vụ. Xã đã vận động bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng sản xuất còn mang tính chất nhỏ lẻ, không có những mô hình sản xuất lớn gắn với bao tiêu sản phẩm.
Chăn nuôi đã hình thành các mô hình gia trại, chưa có mô hình trang trại quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, các lĩnh vực CN, TTCN, dịch vụ của xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Điều đó dẫn đến việc địa phương gặp khó khăn trong thực hiện các tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động, hộ nghèo.
Năm 2016, ước thu nhập bình quân của xã đạt 19 triệu đồng/người/năm, tức là còn thiếu gần 10 triệu đồng nữa mới đạt được tiêu chí số 10 về thu nhập. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Chất Bình trong những năm tiếp theo.
Thêm một khó khăn nữa trong xây dựng nông thôn mới ở Chất Bình là tiêu chí môi trường. Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt chưa bao giờ phức tạp và nhức nhối như hiện nay. Trước đây, toàn bộ rác thải của xã được thu gom và vận chuyển về xử lý tập trung tại xã Hồi Ninh. Tuy nhiên, khu vực này hiện nay không còn hoạt động, dẫn đến rác thải của nhân dân bị ùn tắc.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2019 Chất Bình hoàn thành 7 tiêu chí còn lại và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí.
Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau để đầu tư vào các tiêu chí có liên quan đến cơ sở vật chất và phát triển kinh tế. Địa phương huy động vốn bằng cách lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cùng vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện để hoàn thành đường liên xã.
Phấn đấu hết năm 2017 sẽ hoàn thành xong 3 con đường liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đối với đường dong thôn xóm, xã tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia, nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân giải phóng mặt bằng, góp công, góp của.
Chất Bình cũng xác định muốn phát triển kinh tế không có cách nào khác là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Trước mắt, xã chuyển đổi 150 ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung, hình thành khu vực sản xuất hàng hóa khối lượng lớn.
Quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung tối thiểu 10 ha để trồng một loại giống. Phát động từ 2-3 mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng đạt 100 triệu đồng/năm, hộ nông dân có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.
Trong vụ đông xuân tới, xã đã ký hợp đồng với Viện khoa học kỹ thuật Việt Nam xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn từ 76 - 80 ha, cấy các giống lúa chất lượng cao và được cấy hoàn toàn bằng máy, bón bằng phân viên nén nhả chậm.
Viện khoa học kỹ thuật sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ công máy cấy, hỗ trợ 30% tiền giống, đồng thời lo bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Việc thực hiện thành công mô hình sẽ là tiền đề quan trọng để xã nhân rộng cánh đồng mẫu lớn áp dụng biện pháp thâm canh tiên tiến cho hiệu quả kinh tế cao trong những năm tới.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn huyện mở các lớp dạy nghề đan bèo giúp cho hàng nghìn lao động địa phương có việc làm, nhất là những lúc nông nhàn.
Đối với tiêu chí môi trường, trước tiên xã tập trung nhân lực tổ chức trục vớt, thu dọn rác thải trên địa bàn. Đồng thời vận động, nâng cao ý thức của nhân dân về vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi ra đường, sông ngòi và tự thu gom, phân loại và tiêu hủy, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Nhận thức rõ những khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Chất Bình đã và đang nỗ lực hết mình để hoàn thành 7 tiêu chí còn lại, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2019.
Hồng Giang