PV: Đồng chí cho biết thời gian qua thành phố Tam Điệp đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn như thế nào?
Đ/c Dương Đức Đằng: Việc thành phố Tam Điệp vừa được Hội đồng thẩm định Trung ương tiến hành đánh giá, bỏ phiếu, đồng ý trình Chính phủ ra quyết định công nhận thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017 là một sự kiện đánh dấu sự phát triển của các xã ngoại thành thành phố Tam Điệp. Có được kết quả này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Tam Điệp đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Trong đó, công tác tuyên truyền là trọng tâm, sao cho mọi cán bộ, người dân đều hiểu được nội dung, mục đích, ý nghĩa, lợi ích của NTM, từ đó tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ, đất đai để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Thành phố cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua "Làm đường giao thông nông thôn", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "5 không, 3 sạch", "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức ủng hộ tích cực. Cùng với đó, thực hiện cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; chính sách hỗ trợ lãi vay tín dụng phục vụ phát triển sản xuất; chính sách ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
Kết quả, sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay 4/4 xã của Tam Điệp đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM toàn thành phố đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân tham gia chiếm trên 16%. Tính đến tháng 12/2016, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 21 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo các xã chiếm 1,75%, giảm 8,45% so với năm 2010. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; môi trường sinh thái được bảo vệ. Qua tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn về kết quả xây dựng NTM, có trên 93% hộ dân được lấy ý kiến hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố.
PV: Việc thực hiện xây dựng NTM đối với Tam Điệp một đô thị loại III có gì khác với xây dựng NTM ở địa bàn các huyện khác trong tỉnh, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Đức Đằng: Xây dựng NTM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn vùng nông thôn thành phố Tam Điệp có những đặc thù riêng của một đô thị, đặc biệt hơn so với các huyện khác. Công nghiệp và dịch vụ ở các vùng nông thôn Tam Điệp phát triển mạnh, tạo việc làm, thu hút được nhiều lao động. Với nguồn lực kinh tế dồi dào từ công nghiệp và dịch vụ, thành phố lại có điều kiện để tái đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, Tam Điệp cũng có hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và chế biến thực phẩm, có thị trường rộng lớn đảm bảo đầu ra cho nông nghiệp ngoại thành. Phát huy được lợi thế này, địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như dứa, lạc tiên, ngô ngọt, dược liệu… Toàn thành phố có 45 trang trại và 112 gia trại, doanh thu bình quân hàng năm đạt 1,1 tỷ đồng/trang trại/năm và đang duy trì tốt 10 làng nghề trồng đào phai với tổng diện tích trồng đào là trên 170 ha, giá trị 190 triệu đồng/ha. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15 về lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với "chè xanh Ba Trại" và "Đào phai Tam Điệp" gắn với phát triển du lịch. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn (Công ty CPTPXK Đồng Giao, Công ty CPTP á Châu, Công ty TNHH Thanh An).
Bên cạnh những thuận lợi thì tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đặt Tam Điệp trước những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu cao hơn về mở rộng mạng lưới trường học, y tế...; tác động nhiều đến vấn đề quản lý môi trường, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn trong quá trình phát triển đô thị, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi trong xây dựng NTM thành phố phải có những chỉ đạo, giải pháp triển khai đặc thù: về cơ chế chính sách, về tiêu chí thực hiện, về huy động nguồn lực... nhằm đảm bảo triển khai chương trình hiệu quả với mục đích cuối cùng là ngày một nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
PV: Thời gian tới, thành phố sẽ có những giải pháp gì để nâng chất các tiêu chí và nâng cao thu nhập cho người dân, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Đức Đằng: Trong kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của thành phố giai đoạn tới, Tam Điệp đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Quang Sơn); các xã còn lại mỗi xã đạt từ 5-7 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020.
Về quy hoạch, trong bối cảnh đô thị hóa hết sức mạnh mẽ như hiện nay, thành phố xác định phải phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo hài hòa, gắn kết với phát triển đô thị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông; đảm bảo các tuyến đường thuộc khu trung tâm xã có hệ thống cống, rãnh thoát nước, vỉa hè, đèn chiếu sáng; triển khai trồng cây xanh, cây hoa hai bên đường; bổ sung các biển báo giao thông. Nâng cao chất lượng và hoàn thiện các công trình xây dựng, cơ sở vật chất đối với trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã đáp ứng nhu cầu thiết yếu về học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Trong phát triển kinh tế, tiếp tục xác định công nghiệp là đột phá, nông nghiệp là trọng tâm. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, xây dựng các khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả có giá trị xuất khẩu. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo đúng hướng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hà Phương