XÂY "CỐT VẬT CHẤT", DỰNG "HỒN TINH THẦN" CHO NÔNG THÔN
Nghĩ mới, làm mớiKhi bắt đầu bước tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh còn khá bỡ ngỡ; nhiều cán bộ, đảng viên còn nghi ngờ về tính khả thi của chương trình nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, xã miền núi, xã bãi ngang. Chính vì vậy "nghĩ mới" chính là thay đổi tư duy, nhận thức để có cách "làm mới" phù hợp trong chặng đường cán đích nông thôn mới được các địa phương trong toàn tỉnh xác định là mang tính tiên quyết để thực hiện thành công chương trình.
Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, bình quân toàn huyện mới chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 12,4 %, nói đến huyện nông thôn mới là một cái gì đó rất xa vời.
Khi Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của huyện được thành lập đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích, đối tượng hưởng thụ là người dân khi xây dựng NTM.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Ban Chỉ đạo thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được, tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Đã huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng NTM, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, rất chú trọng huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền...
Bên cạnh đó, đã quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn.
Đồng thời, chú trọng phát động và tổ chức rộng khắp phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Chính từ tư duy "Xây dựng NTM là xây dựng môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng" nên đã tạo niềm tin, sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sự vào cuộc của toàn dân.
Nhận thức và hành động về xây dựng NTM của Hoa Lư là: lấy 19 tiêu chí là mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công. Từ đó nhân rộng những mô hình, những kinh nghiệm, những bài học trong xây dựng NTM để đưa Hoa Lư trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh.
Những gì mà xã bãi ngang Kim Đông (huyện Kim Sơn) đã và đang làm cũng là minh chứng sống động cho việc nghĩ mới, làm mới trong xây dựng NTM. Bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, Kim Đông bộn bề khó khăn nhưng xã đã chọn khâu đột phá là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo để tạo ra sức bật hoàn thành các tiêu chí khác.
Đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Xã đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo chương trình NTM trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng bãi ngang, đó là nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, đồng thời vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, đất gò đầm trồng các loại cây ăn quả.
Do đó, hàng chục héc-ta đất gò đầm hoang hóa trước đây nay được thay thế bằng những vườn thanh long, vườn táo… cho giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi trồng thủy sản ở đây ngày càng phát triển ổn định, bền vững hơn với nhiều chính sách ưu đãi được ban hành. Thu nhập của người dân trong xã đã tăng lên đáng kể, đến nay đạt trên 26,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,78%. Đây là tiền đề để Kim Đông hoàn thiện các tiêu chí còn lại và đã về đích NTM vào năm 2015.
Những con số "biết nói"
Có thể nói, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đó chính là "cốt vật chất" của xây dựng NTM. Trên nền tảng đó, "hồn tinh thần" cũng được chú trọng, tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân; củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn; phát huy dân chủ cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Các địa phương đã quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh hơn.
Cùng với đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ. Nhiều địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình "cánh đồng mẫu lớn", sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao…
Đến nay toàn tỉnh đã có 60 xã (chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh) và huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM, 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 27 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 13 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 15,5 tiêu chí/xã; 95 xã hoàn thành xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất; có 91 xã hoàn thành phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa với tổng diện tích thực hiện trên 32.600 ha.
Trong năm, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ 20 mô hình sản xuất, 2 mô hình tái cơ cấu nông nghiệp cấp tỉnh, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai 10 mô hình tái cơ cấu nông nghiệp; tiếp nhận 158.878 tấn xi măng, làm được 10.403 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 1.224,6 km.
Thời gian tới, yêu cầu xây dựng NTM sẽ khó hơn nhiều giai đoạn "khởi động", cần tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" với cách làm thực chất trong phát triển kinh tế, xã hội tạo ra "cốt vật chất" và "hồn tinh thần" cho nông thôn. Vì vậy duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, xây dựng NTM là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn này.
ĐỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI BỀN VỮNG
Trong thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều khó khăn, vướng mắc đã dần được tháo gỡ, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với những chính sách của Trung ương, những chính sách riêng của tỉnh như Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù cũng đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết những "điểm nghẽn", góp phần xây dựng NTM bền vững từ tư duy đến cách làm, để thật sự xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng.
Nhà văn hóa xã Ninh Hải (Hoa Lư) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới. Ảnh: Đức Lam
Khó khăn "hậu Nông thôn mới"
Hoàn thiện bộ tiêu chí để đạt chuẩn NTM là niềm vui nhưng đằng sau đó cũng là không ít lo lắng, trăn trở của cấp ủy chính quyền các cấp như nợ đọng xây dựng nông thôn mới; làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, giữ gìn không gian nông thôn truyền thống; không để xảy ra tình trạng hình thức, xu thế "phong trào hóa" trong xây dựng NTM; hiệu quả thực sự của những công trình như nhà văn hóa, chợ... được xây dựng trong chương trình NTM để tránh lãng phí cũng như việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này như thế nào...
Theo báo cáo, hết năm 2015 nghĩa là sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM số nợ xây dựng NTM toàn tỉnh là 770 tỷ đồng nhưng chỉ tính đến hết tháng 10-2016 đã trả được 250 tỷ. Đại diện Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhấn mạnh: Số nợ này đã được các địa phương cân đối với nguồn thu nên có khả năng thanh toán cao, không để xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài.
Hơn nữa, hầu hết là tập trung ở cấp xã nên ngoài hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sẽ có những giải pháp từ cơ sở để tăng nguồn thu, giải quyết hiệu quả vấn đề nợ đọng NTM.
Xã Sơn Hà (Nho Quan) tháng 10-2016 vẫn còn nợ xây dựng NTM số tiền tương đối lớn nhưng sau khi đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối tháng, số nợ của xã hiện còn rất ít và vào cuối tháng 11 xã đã tổ chức đón nhận bằng đạt chuẩn NTM trong niềm vui của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây.
Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về nợ đọng xây dựng NTM, đa số các địa phương đều từ chối cung cấp số liệu cụ thể nhưng nhiều lãnh đạo cấp xã, nhất là những xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa cho biết: Tiền đấu giá sử dụng đất ở địa phương không nhiều do giá trị đất không cao, bài toán nợ đọng NTM vẫn hết sức nan giải, hành trình về đích còn rất nhiều khó khăn, cần nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ về nguồn lực.
Xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đặc biệt là ở những xã đã "cán đích' khi kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn không ngừng nâng cao.
Song, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, sau giai đoạn đạt chuẩn NTM, việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí là việc làm không hề đơn giản. Một thách thức không nhỏ đặt ra đối với xã chuẩn NTM trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí chính là việc nhiều tiêu chí về NTM có khả năng biến động như: Giao thông, thu nhập hay tiêu chí hộ nghèo và môi trường...
Đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông, xã đã cán đích NTM trong năm 2015 cho biết: Hệ thống đường giao thông tại các xã hoàn thành chủ yếu dựa vào sức dân-những người thợ không chuyên nên chất lượng còn hạn chế. Hơn nữa, song hành với đường giao thông thuận tiện là sự gia tăng lưu lượng phương tiện cơ giới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Do vậy, chất lượng công trình sau thi công chưa thể khẳng định tính bền vững. Và nếu đường bê tông xuống cấp thì chi phí duy tu, bảo dưỡng hoặc đầu tư làm mới cũng không phải con số khiêm tốn.
Còn theo lãnh đạo xã Cúc Phương, một xã miền núi của Nho Quan đang nỗ lực vượt khó để hoàn thiện các tiêu chí NTM thì một khó khăn nữa đặt ra là: Theo Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy, mức chuẩn nghèo này gấp 1,75 lần so với giai đoạn 2011-2015 (400 nghìn đồng/người/tháng). Nếu không đạt tiêu chí thu nhập sẽ có khả năng gia tăng hộ nghèo, khó đảm bảo xây dựng NTM bền vững.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là các xã NTM phải tìm cho mình hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, đem lại thu nhập ổn định cho người dân chứ không phải chỉ giải quyết vấn đề tăng thu nhập một cách chóng vánh, giảm nghèo không bền vững.
Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo xã thì: Nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng NTM nhưng không dễ thực hiện. Tuy sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng hàng hóa nhưng còn chậm, sản phẩm chưa đa dạng.
Để thay đổi cục diện này, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút nhằm tạo mối liên kết 4 nhà để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho người sản xuất. Nhưng hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Hơn nữa, vì nhiều nguyên nhân nên trong mắt xích liên kết 4 nhà thì giữa doanh nghiệp và nhà nông chưa thực sự bền vững. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn.
Hiện nay, một số xã đạt chuẩn NTM vẫn còn nợ từ 1 đến 2 tiêu chí. Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vận động nhân dân đóng góp ngày càng hạn hẹp và nguồn lực để nâng cấp các tiêu chí đạt chuẩn chủ yếu dựa vào bán đấu giá đất.
Địa phương nào có quỹ đất dồi dào sẽ giảm bớt gánh nặng, với những xã không còn đất hoặc gặp khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất thì bài toán về vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại xây dựng NTM càng trở nên nan giải. Điều đáng nói, càng về sau này, yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới cũng sẽ cao hơn trước.
Đồng chí Nguyễn Quốc ái, Chủ tịch UBND xã Như Hòa (Kim Sơn) nhấn mạnh: Nếu địa phương nào chủ quan, xem nhẹ nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sẽ có nguy cơ "xuống hạng", nhất là các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa nếu không được quản lý, bảo trì thường xuyên sẽ bị xuống cấp rất nhanh.
Khi đó, những thành quả mà cả chính quyền và nhân dân các địa phương đã đổ bao mồ hôi, sức lực bao năm mới đạt được sẽ trở thành con số 0.
Như ở Như Hòa, chúng tôi xác định đạt chuẩn NTM là một bước ngoặt lớn nhưng làm sao để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí mới là vấn đề lâu dài và đảm bảo cho sự phát triển bền vững nhất là khi có các tiêu chí biến động do sự phát triển đi lên của xã hội.
Những giải pháp đồng bộ, khoa học
Trước thực tế trên, cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM một cách cụ thể nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Hiện nay song song với việc hoàn thiện các tiêu chí đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, huyện cũng chú trọng rà soát, đánh giá mức độ đạt của từng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn. Trên cơ sở đó, huyện cân đối nguồn ngân sách hằng năm, hỗ trợ các xã hoàn thiện 19 tiêu chí NTM và bổ sung thêm 2 tiêu chi mới theo quy định của Trung ương, của tỉnh.
Qua đó, tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển như: Hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình cung cấp điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...
Còn đối với huyện Hoa Lư, ngay từ đầu năm 2016, các cấp chính quyền đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.
Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng, an toàn. Đồng thời, phát huy nội lực xây dựng NTM trong nhân dân; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.
Mặt khác, có biện pháp tác động tích cực nhằm thu hút đầu tư, xây dựng thêm công trình giao thông nông thôn, công trình phúc lợi công cộng... để xứng đáng với danh hiệu huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên theo tiêu chí mới của cả nước.
Để xây dựng NTM bền vững, trước hết đòi hỏi phải có sự đồng tâm, chung sức, chung lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương phải thường xuyên bám sát cơ sở, gần dân, hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình thì mới có cách tuyên truyền hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, các địa phương cần củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay về phát triển kinh tế, xây dựng NTM; thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và đề ra những hình thức khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể làm tốt trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn minh vùng nông thôn...
Ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính những người dân-những "chủ thể" của chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đây sẽ là những tiền đề quan trọng tiếp thêm động lực cho các xã còn lại đạt chuẩn NTM; để các xã đã đạt NTM có thể vượt qua khó khăn giai đoạn khó khăn, tiếp tục về đích sau 5 năm thẩm định lại.
Quỳnh Thu