Hệ thống kết cấu hạ tầng: Đê sông, biển, đường giao thông, khu neo đậu tránh trú bão… được xây dựng khá đồng bộ, thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Các chương trình, chính sách phát triển được thực hiện hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của vùng ven biển Kim Sơn ổn định, bình quân 7,47%/năm. Trong đó, ngành Giao thông vận tải, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản có nhiều chuyển biến tích cực.
Bước đầu hình thành các chuỗi chế biến và cung ứng nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, trở thành động lực cho phát triển kinh tế của khu vực, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, an ninh quốc phòng vùng biên giới được củng cố vững chắc, an toàn hàng hải được đảm bảo. Đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái biển và ven biển được bảo tồn, phát triển theo hướng bền vững.
Công tác phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trên biển được thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra…
Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những địa phương không có biển về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa ngang tầm, chưa bắt kịp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn cách mạng mới đó là: Hình thành khát vọng biển, tư duy biển, ý thức biển, đây là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chính vì thế các ngành kinh tế từ biển chưa hình thành rõ nét, chủ yếu vẫn là các hoạt động phát triển kinh tế quy mô hộ gia đình. Loại hình kinh tế khu vực ven biển chủ yếu là nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn cao. Sự phối kết hợp giữa huyện Kim Sơn và các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội chưa hình thành rõ nét.
Phát triển Ninh Bình thành địa phương có nền kinh tế biển đa dạng, từng bước nâng tỷ trọng ngày càng cao trong phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành nền kinh tế biển phát triển bền vững, hiệu quả, là điểm đến an toàn, thân thiện và hội nhập. Huyện Kim Sơn thành huyện có nền kinh tế năng động phát triển nhanh là trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, đó là mục tiêu bao trùm trong chiến lược, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mà tỉnh ta hướng tới.
Để thực hiện được mục tiêu này, có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra, song trước hết cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khát vọng về phát triển bền vững biển. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển, vùng ven biển.
Thu hút đầu tư trong nước và quốc tế của các thành phần kinh tế từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước…, ưu tiên đầu tư các ngành kinh tế trọng điểm như khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Phấn đấu đến năm 2030 hình thành khu kinh tế tổng hợp ven biển theo mô hình công nghiệp xanh có quy mô phù hợp.
Nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân đầu người ngang bằng bình quân thu nhập đầu người của cả nước. Hoàn thiện tổ chức các lực lượng đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển đủ năng lực xử lý tốt các tình huống, giữ vững độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển Ninh Bình.
Tiếp thu ứng dụng tối đa thành tựu KHCN biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường công tác quản lý Nhà nước với biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, gắn bảo vệ môi trường với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm và sự cố môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sinh thái biển tự nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, có biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu…
Nguyễn Kim