Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún
Khắc phục tình trạng quá manh mún trong sản xuất nông nghiệp, năm 2003 tỉnh ta đã thực hiện chủ trương "đổi thửa, dồn điền". Từ chỗ mỗi hộ nông dân có hàng chục thửa ruộng canh tác đã giảm xuống còn 1-3 thửa. Đổi thửa, dồn điền đã làm cho việc canh tác của người nông dân được thuận lợi, tập trung hơn. Nhưng sau 5 năm thực hiện chuyển đổi này, nông dân trong tỉnh vẫn chưa phát huy hết tác dụng, ý nghĩa của việc "đổi thửa, dồn điền". Ví như một thửa ruộng của một hộ nông dân chỉ có vài sào vẫn còn tình trạng đám này trồng lạc, đám kia trồng khoai, trồng ngô. Hay ở một cánh đồng lúa, hộ thì cấy giống Tạp Giao, hộ lại gieo cấy bằng giống Nếp, Dự, Tám... Thậm chí, một số địa phương số thửa canh tác/hộ vẫn còn cao hơn 3 thửa. Điều đó đã lý giải vì sao trên địa bàn khó có thể hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo đúng nghĩa.
Về Khánh Thành (Yên Khánh), một trong những xã là điểm sáng của tỉnh, của huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chúng tôi được biết: Diện tích toàn xã là 767 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 470 ha. Xã có 19 thôn xóm với 8.210 nhân khẩu/1.972 hộ. Diện tích canh tác bình quân đầu người được chia ruộng theo Quyết định 313 là 520 m2. Đất nông nghiệp ở đây tương đối bằng phẳng, chất đất thịt nặng, độ màu mỡ thuộc mức trung bình của huyện. Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên điều kiện để giao thương buôn bán, phát triển các ngành nghề dịch vụ khó khăn, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ nhiều đời nay, người dân trong xã chí thú với nông nghiệp, luôn năng động, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh gối vụ, tăng năng suất. Tuy không có đất màu nhưng nông dân Khánh Thành quyết tâm cải tạo, chuyển hướng và tạo ra được những vụ mùa bội thu với nhiều giống cây mới cho giá trị kinh tế cao gấp từ 2 - 5 lần cấy lúa. Sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ việc huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng... Khánh Thành là một trong những xã sớm có đường bê tông ra tận các cánh đồng, bắt đầu mang dáng dấp của nền nông nghiệp hiện đại. Từ tiền đề đó, xã quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, phấn đấu chuyển dịch từ 5 - 10% diện tích mỗi năm theo công thức luân canh hiệu quả 2 vụ màu + 1 vụ lúa. Năm 2007, xã đã tiến hành làm vùng chuyên canh trên một số diện tích ở các xóm 4, xóm 5, xóm 13, 14. Hiệu quả của mô hình chuyên canh, cộng với động lực từ Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã đưa diện tích cây vụ đông, cây màu của toàn xã tăng lên rõ rệt vào năm 2008, chiếm khoảng 73% diện tích sản xuất trên đất 2 lúa. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt trên 55 triệu đồng. Riêng 72 ha vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, giá trị thu hoạch đạt từ 75 đến 100 triệu đồng/ha. Tuy đã thành công bước đầu song những người "đầu tàu" ở đây vẫn trăn trở: Để xây dựng và nhân ra diện rộng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, lãnh đạo xã, cán bộ ở thôn xóm cũng khá vất vả trong việc vận động nông dân thực hiện 3 cùng: Cùng trồng một loại cây trồng hàng hóa, cùng trà, cùng thời gian vì vẫn tồn tại một số hộ nông dân không đồng tâm, hiệp lực.
Tư tưởng mỗi nhà mỗi thửa không chỉ là một rào cản ảnh hưởng đến việc quy hoạch xây dựng vùng sản xuất hàng hóa ở các đơn vị mà đây cũng là một khó khăn lớn khi đưa cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất nông nghiệp. Không thể và chưa thể áp dụng chung, đồng loạt các máy móc hiện đại như máy cấy, máy gặt lúa... trên cả một cánh đồng của nhiều hộ khi chưa có sự thống nhất trong cách nghĩ, cách làm.
Nhiều cán bộ quản lý nông nghiệp cho rằng: Để tạo ra một vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho hiệu quả cao, tại sao người nông dân lại không liên kết, hợp tác với nhau theo mô hình công ty cổ phần nông nghiệp? Cùng hợp sức đầu tư, cùng hưởng lợi, cùng bàn bạc để chọn đối tượng cây, con, chuyển giao kỹ thuật, cùng sản xuất, canh tác trên một cánh đồng, dưới sự điều hành của một người có tư tưởng mạnh dạn, có khả năng lãnh đạo? Làm được như thế, trước hết cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân có chí hướng để cùng hợp tác, tự nguyện tham gia hoặc chuyển đổi đất cho nhau và giao cho một người có khả năng đứng ra tổ chức để mọi người thực hiện. Cũng rất có lý khi cho rằng tại sao một số hộ nông dân không tận dụng cơ hội từ khi chia đất theo Quyết định 313 để tích tụ ruộng đất, tập trung hình thành sản xuất chuyên canh. Vì thực tế sau khi chia đất theo Quyết định 313 đến nay, số nhân khẩu làm nông nghiệp đã có nhiều biến động, một số đi học rồi thoát ly, đi làm việc ở các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; hay nhiều hộ đã ly hương hoặc chuyển sang làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Do vậy, một số hộ đã cho "cấy rẽ" ruộng rồi thu về một khoản lợi tức theo kiểu "phát canh, thu tô". Ngoài ra, quỹ đất 5% của các địa phương thường được tổ chức đấu thầu nên người nông dân có thể thầu đầu tư vốn vào thâm canh, sản xuất hàng hóa. Đây chính là một trong những điều kiện để người nông dân gắn bó với đồng ruộng, tích tụ ruộng đất tạo ra những thửa ruộng rộng lớn thuận lợi cho thâm canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Có một điều mà người nông dân chưa được tuyên truyền kỹ lưỡng để họ hiểu một cách ngọn nguồn rằng có "dồn điền, đổi thửa", có tích tụ ruộng đất mới có thể tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa được. Để thay đổi được tư tưởng cố hữu, tạo ra được ý thức chung trong sản xuất của nông dân, chính là tháo gỡ được cản trở lớn nhất khi xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa trong việc phát triển nông nghiệp toàn diện mà tỉnh ta đang hướng đến.
Khắc phục tình trạng mất cân bằng trong cơ cấu ngành
Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất vụ đông được ban hành như một luồng gió mới thổi xuống cơ sở, không ngừng thúc đẩy nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, nhất là trên diện tích đất 2 lúa. Cùng với việc tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, những năm qua nhiều giống cây trồng mới có năng suất, giá trị, sản lượng cao đã được đưa vào gieo trồng trên diện rộng, tạo ra một nguồn lương thực dồi dào. Năm 2008, sản lượng lương thực có hạt của toàn tỉnh đạt 49,2 vạn tấn, vượt kế hoạch 2,2 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng. Bên cạnh trồng trọt, người nông dân còn đẩy mạnh nuôi các con nuôi mới, đặc sản theo mô hình hộ, gia trại, trang trại. Nhưng do xuất phát từ nền sản xuất manh mún, tự phát, nên chăn nuôi mới chỉ dừng lại ở việc tự cung, tự cấp nguồn thực phẩm trên địa bàn, việc chế biến thành hàng hóa xuất khẩu còn hạn chế. Do vậy đã dẫn đến tình trạng không đồng đều trong cơ cấu ngành giữa trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta, tỷ trọng ngành trồng trọt còn cao, chiếm 70%, ngành chăn nuôi mới đạt 24 - 26%, thủy sản chiếm 4 - 6%.
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2020, tỉnh ta xác định cần phải xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm, thủy sản đạt 4,5 - 5%/năm. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự chung sức đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là nông dân. Bắt tay vào thực hiện, trước hết các địa phương phải tổ chức rà soát, điều chỉnh, bố trí lại các quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, quan tâm quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa nhằm giữ vững diện tích trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, tiếp tục đưa các giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đưa năng suất mỗi vụ tăng so với lúa sản xuất đại trà từ 10 - 15%; đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03 về đẩy mạnh sản xuất vụ đông, làm lúa tái sinh; phát triển các cây rau màu, cây công nghiệp như dứa, cói, mía, sắn, rau, hoa quả... phục vụ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong chăn nuôi, tỉnh cần có Nghị quyết chuyên đề để khuyến khích, thúc đẩy mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại với những con nuôi chủ lực, thế mạnh như bò, dê, thỏ. Với đàn bò, thực hiện cải tạo theo hướng lấy thịt, tập trung hỗ trợ bò đực giống ngoại và đàn nái nền, phấn đấu tăng từ 65.000 con năm 2008 lên 120.000 con vào năm 2015, trong đó 75% bò lai Zêbu. Riêng đàn dê, cần có đề án bảo tồn và phát triển đàn dê địa phương, ưu tiên hỗ trợ hộ chính sách, hộ nghèo, hộ chăn nuôi trang trại, tạo điều kiện cho người nuôi dê ở vùng lợi thế được vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đạt được mục tiêu tổng đàn dê đến năm 2015 đạt 50.000 con, trong đó có 70% dê hướng thịt, tăng bình quân 9%/năm. Về đàn thỏ, nhân rộng giống thỏ Newzeland White để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thỏ của Nhật Bản; có quy hoạch vùng phát triển ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô và thị xã Tam Điệp, mỗi huyện phấn đấu xây dựng 10 - 15 trại chăn nuôi thỏ tập trung, quy mô mỗi trại 20 - 30 hộ, mỗi hộ nuôi 50 - 100 con thỏ sinh sản. Ngoài ra, tập trung khai thác có hiệu quả trên 2.000 ha nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn với các loại con nuôi như tôm sú, cua biển, tôm thẻ chân trắng...; tận dụng diện tích mặt nước ở các ao hồ, thùng trũng để nuôi thủy sản nước ngọt, nhất là mô hình lúa + cá.
(Còn nữa)
Hoàng Tâm