Trong lịch sử và cả trong hiện tại, huyện Yên Mô luôn là vùng đất truyền thống cách mạng và văn hóa. Từ xưa Yên Mô đã nổi tiếng là vùng đất hiếu học, chuộng văn chương, trọng đạo lý làm người. Nhân dân Yên Mô có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập từ năm 1929. Đây là một trong hai chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Ninh Bình do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Chi bộ, sau này là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, lớp lớp các thế hệ con em Yên Mô đã hăng hái lên đường nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do của dân tộc đến hoàn toàn thắng lợi.
Địa danh Yên Mô đã có cách đây 600 năm. Trải qua các thời kỳ lịch sử có sự thay đổi, ngày 4-7-1994 Chính phủ có Nghị định 59/NĐ-CP về tái lập huyện Yên Mô nhằm đáp ứng sự nghiệp đổi mới và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Khó khăn lớn nhất của huyện khi tái lập là còn nghèo, sản xuất thuần nông, điểm xuất phát thấp, kinh tế kém phát triển, tài chính và ngân sách hạn hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn… Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH đất nước.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế trong huyện đã có bước tăng trưởng khá và là huyện liên tục đạt đỉnh cao về diện tích, năng suất, sản lượng cũng như bình quân lương thực đầu người. Nếu năm 1994, tổng sản lượng lương thực toàn huyện mới đạt 35.934 tấn thì đến năm 2013 đạt 85.900 tấn, tăng trên 40.000 tấn so với năm 1994. Bình quân lương thực đầu người từ 318,8 kg (năm 1994) lên 776,6 kg (năm 2013) gấp 2,2 lần. Yên Mô luôn được đánh giá là địa phương có tốc độ tăng năng suất lúa cao trong tỉnh và là địa phương có truyền thống phát triển cây vụ đông.
Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ gieo cấy lúa đặc sản, lúa chất lượng cao hàng năm luôn đạt từ 25% diện tích trở lên. Tổng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác năm 2013 đạt 96,3 triệu đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 1994. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, các cấp, các ngành trong huyện đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện; các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng tham gia. Nhân dân đã hiến 65,6 ha đất với trị giá gần 60 tỷ đồng, đóng góp gần 20.000 ngày công lao động, nguyên vật liệu và tiền mặt trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, giảm số thửa/hộ từ 10,2 thửa năm 1993 xuống còn 1,9 thửa/hộ, tạo điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2013 huyện đã có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 5 xã đạt 10 tiêu chí, 10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí. Đến cuối năm 2014 xã Yên Thắng sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn cũng phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi mang tính tận dụng sang sản xuất theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp theo quy mô trang trại, gia trại. Đối tượng nuôi phong phú, đa dạng, công tác di nhập và cải tạo đàn giống, công tác vệ sinh, thú y và phương thức chăn nuôi được đổi mới, do vậy năng suất và hiệu quả sản xuất đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2013, toàn huyện đã có 23 trang trại và 206 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Công tác chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa và chăn nuôi được tích cực triển khai thực hiện. Toàn huyện đã chuyển đổi được 327 ha ruộng trũng sang canh tác cá, lúa kết hợp chăn nuôi trên bờ, giá trị thu nhập cao hơn cấy lúa từ 2,5-3 lần. Kế hoạch đến năm 2015, toàn huyện sẽ chuyển đổi trên 500 ha ruộng trũng sang mô hình canh tác cá-lúa, kết hợp chăn nuôi.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị. Năm 1994, toàn huyện có 7 doanh nghiệp và HTX tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị sản xuất chỉ đạt 14,2 tỷ đồng, đến năm 2013, toàn huyện đã có 124 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với giá trị sản xuất đạt 176,3 tỷ đồng, tăng 12,5 lần so với năm 1994, tạo việc làm thường xuyên cho 18.000 người và 7.800 lao động thời vụ. Các ngành nghề truyền thống được duy trì, các ngành nghề mới như đan thảm cói, đan bèo, tết bện lúa non xuất khẩu, may mặc, sản xuất nấm.... được quan tâm phát triển.
Đến nay toàn huyện đã có 11 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề cấp tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 5.400 lao động. Hiện nay huyện đang cùng nhà đầu tư chuẩn bị các thủ tục xúc tiến đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất giầy da xuất khẩu tại xã Yên Lâm, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động. Hoạt động dịch vụ của huyện trong 20 năm qua có sự tăng trưởng mạnh, đến năm 2013 đã đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 42,8 lần so với năm 1994. Hoạt động du lịch từng bước được xúc tiến; năm 2008, Khu trung tâm liên hợp du lịch thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng đã được triển khai xây dựng và đã đưa vào khai thác, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Thời kỳ đầu tái lập huyện, toàn huyện chỉ có 4,2 km đường giao thông được rải nhựa, đến nay đã có 595,2 km đường giao thông được rải nhựa, bê tông, tăng 141,7 lần so với năm 1994. Hệ thống thủy lợi được nâng cấp, cải tạo, xây dựng theo hướng kiên cố, đồng bộ, đảm bảo chủ động tưới tiêu và an toàn trong mùa mưa bão. Đã đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven núi hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, xây dựng công trình thủy lợi Âu Cầu Hội và nhiều trạm bơm công suất lớn. Hệ thống đê sông đã được nâng cấp, cứng hóa cả mặt đê và mái đê, đảm bảo giao thông thuận tiện kết hợp với thủy lợi. Toàn huyện đã nâng cấp, kiên cố 121 km kênh mương, đạt tỷ lệ 83%.
Nét nổi bật trên lĩnh vực văn hóa xã hội là toàn huyện đã thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng khu dân cư tiên tiến, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phong trào thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 86,7% khu dân cư văn hóa; 89,6% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan văn hóa.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Toàn huyện hiện có 57 trường học; đã có 41 trường đạt chuẩn quốc gia. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi các cấp, thi vào đại học, cao đẳng không ngừng được nâng lên. Trong 20 năm qua, đã có 68 học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia, 1.382 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.
Năm 1994, toàn huyện chỉ có 1,7 bác sỹ/vạn dân, đến nay đã có 3,2 bác sỹ/vạn dân, phần lớn các trạm y tế xã đã có bác sỹ. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm chỉ đạo tích cực; chất lượng dân số ngày càng được tăng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh, từ gần 50% năm 1994, xuống còn 14,5%. Công tác an sinh xã hội, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", "Xóa đói, giảm nghèo" được quan tâm. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác quân sự-quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, huyện Yên Mô đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, được Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là to lớn, rất đáng trân trọng và tự hào, song Yên Mô vẫn là huyện khó khăn, Đảng bộ, quân và dân trong huyện quyết tâm đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng Yên Mô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trước mắt tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa, phát triển chăn nuôi tập trung; huy động mọi nguồn lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề có thế mạnh, ngành nghề mới và phát triển mạnh kinh doanh, dịch vụ.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
Quán triệt và thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống các tai, tệ nạn xã hội; giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.
Phát huy truyền thống Anh hùng, với kết quả đạt được trong 20 năm qua, Đảng bộ, nhân dân huyện Yên Mô sẽ tiếp tục đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng huyện Yên Mô vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh-quốc phòng và đẹp về nếp sống văn hóa.
Bùi Thành Đông (TUV, Bí thư Huyện ủy Yên Mô)