Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời kỳ đổi mới.
Trong xã hội hiện đại, gia đình và công tác gia đình ở tỉnh ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới còn nhiều khó khăn và bất cập. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài... đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới... đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Bạo hành trong gia đình, trẻ em lang thang, trẻ em làm trái pháp luật... có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác xây dựng gia đình văn hóa. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em.
Gia đình là một tế bào xã hội. Xây dựng, bồi đắp cho mỗi gia đình trở thành một tế bào tốt cho xã hội, tổ ấm cho mỗi người, hướng tới một gia đình văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa gia đình là mục tiêu mà các cấp, các ngành, mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội phải tiếp tục phấn đấu.
Để công tác xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ mới phát huy hiệu quả, là động lực quan trọng cho sự phát triển, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình văn hóa. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xây dựng gia đình văn hóa, làm cho phong trào thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Một trong những biện pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa là cần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động này. Trong đó cần có biện pháp cụ thể, xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa sát thực, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống nhân dân; có sự đầu tư thỏa đáng; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức tự quản trong nhân dân, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác của các ngành, đoàn thể như: MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, LĐLĐ, Đoàn thanh niên... trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa của gia đình trong cộng đồng.
Xây dựng gia đình văn hóa phải đặc biệt quan tâm tới công tác thi đua, nhân điển hình tiên tiến, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu để tạo sức lan tỏa của các tấm gương điển hình. Làm cho phong trào có sức thuyết phục, bền vững, hiệu quả, thiết thực và không hình thức. Nguyễn Thu