Để công nhận một xã đạt chuẩn văn hóa, yếu tố quan trọng nhất là xã đó phải có hơn 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Như vậy, không thể phủ nhận yếu tố gia đình quyết định đến chất lượng của một khu vực. Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình và Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Phong trào văn hóa đi vào chiều sâu chất lượng là nhờ sự phấn đấu của người dân, là công sức không nhỏ của "hạt nhân" gia đình văn hóa tiêu biểu. Họ chính là những người thực hiện tiên phong và kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện.
Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Nho Quan từ nhiều năm nay ở thôn Đầm Bái, xã Gia Tường tâm sự: Thực chất, việc xây dựng gia đình văn hóa không khó. Cái chính là mọi thành viên trong gia đình phải nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa. Mọi thành viên trong gia đình phải sống có trách nhiệm với nhau. Các bậc ông bà, cha mẹ phải gương mẫu từ cách ăn nói, đối nhân xử thế… làm gương cho con cháu noi theo…
Với suy nghĩ xây dựng gia đình văn hóa là cho chính mình nên chị Oanh bắt đầu từ những điều đơn giản nhất đó là giữ gìn mái ấm luôn rộn tiếng cười. Không chỉ vậy, Chị Oanh còn vận động mọi người trong khu vực thực hiện tốt các tiêu chí để xây dựng gia đình văn hóa. Hai đứa con của chị Oanh đã nhìn tấm gương phấn đấu của mẹ mà ngoan ngoãn, cố gắng học tốt để cha mẹ vui lòng. Bây giờ, gia đình chị Oanh trở thành một hình mẫu để nhiều người phấn đấu noi theo…
Chưa dừng lại ở đó, chị Oanh còn nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ Gia đình văn hóa để có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng xây dựng phong trào. Câu lạc bộ này hoạt động ngày càng có hiệu quả. Mỗi tháng một kỳ, nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ Gia đình văn hóa xoay quanh những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt. Từ chuyện xây dựng gia đình thuận hòa, ấm no, đến việc giải quyết những vấn đề khó trong lao động. Những mô hình sản xuất, những tấm gương làm kinh tế giỏi được câu lạc bộ đưa ra giới thiệu, qua đó giúp bà con học hỏi thêm kinh nghiệm để vươn lên làm giàu…
Không chỉ phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh cũng được nâng cao. Nhiều địa phương đã xây dựng được thư viện, 147/147 xã, phường trong tỉnh có bưu điện văn hóa và tủ sách pháp luật. Hàng năm, ngân sách và sự đóng góp của các nhà hảo tâm đã ủng hộ, trang bị thêm nhiều đầu sách, phòng đọc nhằm phục vụ nhu cầu đọc, nâng cao trình độ dân trí cho người dân nông thôn. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, nhiếp ảnh tỉnh luôn được đầu tư trang thiết bị để tăng cường phục vụ, mang ánh sáng văn hóa đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa…
Mặt bằng dân trí được nâng cao, đó chính là yếu tố thuận lợi giúp phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đạt chất lượng và đi vào chiều sâu. Nhận thức của người dân về các phong trào: xây dựng làng/bản văn hóa, khu dân cư tiên tiến, về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, về xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… ngày càng được nâng cao.
Đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có 210.682/257.504 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (81,8%), trên 900 làng, khu phố văn hóa, 188.486 hộ đạt chuẩn văn hóa. Không chỉ chú ý phát triển về số lượng mà chất lượng của phong trào cũng ngày càng được nâng cao rõ rệt. Có những địa phương không được tiếp tục công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Đây là một trong những thay đổi tích cực nhằm giúp địa phương, đơn vị đó biết mình đang đứng ở vị trí nào, từ đó xác định hướng phấn đấu, tạo sự tin tưởng trong nhân dân về ý nghĩa của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó, khơi dậy ở mỗi cá nhân, tập thể tinh thần tự nguyện góp sức xây dựng phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Nguyễn Hùng