Mỗi chiều cuối tuần, tại nhà văn hóa thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) lại vang lên tiếng cồng chiêng, bài hát Mường rộn ràng, sôi nổi, tạo thành nét đẹp văn hóa đặc trưng trong không gian văn hóa của người dân vùng cao. Ông Đinh Văn Thắng, Trưởng thôn Bãi Cả cho biết: Khởi sắc rõ nét nhất trong đời sống văn hóa của nhân dân thôn Bãi Cả là đã xây dựng được cơ sở vật chất văn hóa; bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường trong đời sống xã hội hiện đại. Thôn Bãi Cả có 102 hộ/400 khẩu, trong đó 95% hộ là người dân tộc Mường. Trước năm 2016, thôn chưa có nhà văn hóa, đường sá chưa được bê tông hóa. Đến nay, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của nhân dân, thôn đã xây dựng được nhà văn hóa. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, năm 2017, thôn đã thành lập Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần, đồng thời tổ chức giao lưu văn nghệ với các địa phương trong tỉnh; tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, hát múa tiếng Mường, tiếng Kinh tại các khu du lịch trên địa bàn huyện.
Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Thời gian qua, xã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, như đã khôi phục lại trang phục truyền thống của người Mường. Phát động các thôn bảo tồn môn thể thao đánh mảng vào dịp lễ, Tết. Năm 2018, xã thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc xã Cúc Phương nhằm giữ gìn văn hóa cồng chiêng, những điệu hát giao duyên, bọ mẹng, rằng xường. Hằng năm, xã tạo điều kiện cho CLB hoạt động, tổ chức các cuộc giao lưu, tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, các ngày hội văn hóa dân tộc huyện Nho Quan. Bên cạnh đó, xã gắn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều đổi thay của xã vùng cao. Hiện nay, 10/10 thôn đã có nhà văn hóa và đủ các trang thiết bị, tủ sách pháp luật; 100% số thôn đều xây dựng được hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Năm 2015, xã có trên 60% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đến nay, xã có trên 75% gia đình đạt danh hiệu này; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 chiếm trên 17%, đến nay còn 5,73% (trong đó nghèo bảo trợ xã hội là 2,4%). Hiện nay xã Cúc Phương đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Trần Văn Mạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, việc triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn huyện có thuận lợi khi hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào. Huyện ủy, UBND huyện Nho Quan đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy. Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Hiện có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Huyện cũng đã thành lập được 7 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường và các CLB của ngành, đoàn thể như Công an, Giáo dục, Đoàn thanh niên.
Xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi, là nhân tố quyết định chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức biểu dương gia đình văn hóa hàng năm. Qua đó, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ngày càng cao và được nâng về chất lượng. Năm 2012, toàn huyện có 76% số hộ đạt gia đình văn hóa, đến năm 2019, toàn huyện có 84% số hộ đạt gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn huyện. Phong trào đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân, nâng cao đời sống cho người dân, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh khu dân cư, trật tự an toàn xã hội. Năm 2019 đã có 271/286 khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 94,8% và có 89,2% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa
Hồng Vân