Bộ Tài chính cho biết, từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Để giữ bình ổn giá trong nước, Chính phủ đã xử lý bằng nhiều biện pháp như: sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu.
Đến nay giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tùy theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra phức tạp.
Trong khi đó, các giải pháp tài chính khác không còn, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết. Để giải quyết tình hình trên, chỉ còn cách tăng giá. Đây là đợt tăng giá xăng, dầu đồng loạt với mức cao và là đợt đầu tiên trong năm 2012, ít nhiều cũng gây bất ngờ cho nhiều người tiêu dùng.
Trên địa bàn Ninh Bình, trước giờ "G", các hoạt động, kinh doanh mua bán diễn ra bình thường , không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để ăn chênh lệch giá. Ngay sau khi có thông báo, các chủ đại lý, cửa hàng chỉ tạm dừng kiểm kê lại hàng rồi bắt đầu niêm yết và bán xăng dầu theo giá mới. Không có tình trạng xếp hàng đổ xăng, mua dầu. Việc tăng giá không được thông báo từ trước và thời điểm tăng giá lại vào cuối giờ chiều nên nhiều người vẫn không biết được thông tin, kể cả nhân viên bán hàng.
Chị Đinh Thị Phượng (Hoa Lư) đi làm về vào đổ xăng chiều 7/3, giật mình khi nhìn vào bảng điện tử trên cột xăng: Tôi hoàn toàn bất ngờ về việc tăng giá xăng dầu lần này. Gia đình tôi có 4 xe máy, mỗi tháng gia đình tôi sẽ phải mất thêm 100.000 đồng tiền xăng. Xăng tăng giá, gas cũng tăng giá, quả thật là điều đáng lo ngại, vì các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ nhân đà này mà tăng giá theo như thế sẽ càng làm cho cuộc sống của người dân thêm khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Cường (TP Ninh Bình) thì cho rằng: Chính phủ đã quyết định vận hành giá bán xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường thì việc tăng, giảm giá là chuyện bình thường, người tiêu dùng phải "sống chung" với nó. Chỉ có điều giá xăng dầu trong nước tăng thì tăng rất nhanh, ở mức cao, nhiều lần…, còn giảm lại ít, chậm, không kịp thời và ở mức thấp.
Dư luận nhân dân cũng cho rằng, gas, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá, sẽ không tránh khỏi những "hệ lụy" là kéo theo các loại hàng hóa, dịch vụ khác tăng lên, gây bất ổn cho nền kinh tế và làm cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn, nhất là đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Mong rằng Chính phủ, các cấp, các ngành sớm có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị truờng, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp.
Trường Sinh