Gia đình anh Phạm Minh Đạo, xóm 4 xã Yên Lộc là một trong số các hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đó. Anh cho biết: Khoản vay này có lãi suất rất thấp, tôi sẽ sử dụng để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, tăng đàn và trang bị thêm hệ thống chiếu sáng. Được biết, gia đình anh đã đầu tư nuôi lợn được hơn 10 năm nay.
Hiện nay, gia đình anh có 16 con lợn lái và hơn 100 con lợn thịt, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Được biết, nghề chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh tại xã Yên Lộc. Do những tín hiệu tích cực từ việc giá thịt lợn hơi tăng trở lại, các hộ gia đình đã phần nào an tâm hơn, tích cực chăm sóc và phát triển đàn lợn.
Ngoài ra, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi dê... cũng đạt được hiệu quả cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Hàng năm, UBND xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động người dân đưa những giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất.
Trong trồng trọt, Yên Lộc tập trung phát triển trồng rau màu các loại, thanh long ruột đỏ, trồng nấm rơm… cho năng suất, chất lượng cao. Thương hiệu rau an toàn của xã Yên Lộc đang dần được khẳng định trên thị trường. Bởi vậy, việc trồng rau màu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (xóm 7, xã Yên Lộc) trồng rau quanh năm trên diện tích 1 mẫu đất.
Bà Tuyết cho biết: Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ trồng rau. Ước tính mỗi năm, gia đình "bỏ túi" hơn 150 triệu đồng từ tiền bán rau cho thương lái hoặc xuất bán theo hợp đồng mà HTX đã ký kết với các công ty, doanh nghiệp.
Trao đổi với ông Hoàng Hồng Khanh, Giám đốc HTX trồng rau giống và rau an toàn xã Yên Lộc, chúng tôi được biết: HTX hiện có 21 thành viên với diện tích canh tác khoảng 10 ha.
Để tìm đầu ra cho cây rau, HTX đã liên kết với các đơn vị ở thành phố Ninh Bình và các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội… ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giúp tránh được tình trạng được mùa mất giá, nên thu nhập của nông dân luôn ở mức 15 đến 20 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Qua đó giúp cho người nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm, từ đó tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau sạch.
Đồng chí Phạm Văn Son, Chủ tịch UBND xã Yên Lộc cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, xác định rõ mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Xã đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; đào tạo nghề, khuyến khích duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống...
Đến cuối năm 2015, khi xã cán đích nông thôn mới, thu nhập của người dân đã được cải thiện rõ rệt, đạt gần 28 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo chỉ còn 72 hộ, chiếm 2,93%. Trong thời gian tới, xã Yên Lộc xác định mục tiêu tiếp tục củng cố và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.
Vì vậy, nâng cao thu nhập cho người nhân vẫn được cấp ủy và chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Để ngành chăn nuôi tại địa phương phát triển bền vững, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung rộng hơn 16 ha tại khu Khánh Đông, xóm 4. Hiện đang đề nghị huyện Kim Sơn phê duyệt để tập trung phát triển ngành chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo Hội nông dân xã thực hiện các chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn quỹ, giúp các hộ dân phát triển sản xuất. Để tiếp tục phát triển nghề trồng rau tại địa bàn, đặc biệt là đảm bảo hoạt động hiệu quả của HTX trồng rau giống và rau an toàn xã Yên Lộc, UBND xã, Hội Nông dân xã đã tập trung chỉ đạo HTX tích cực tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời chỉ đạo HTX và nông dân xóm 7 đảm bảo diện tích sản xuất rau an toàn, quy trình kỹ thuật chăm sóc.
Bài, ảnh: Thái Học