Về Văn Phương dịp này, dọc tuyến đường vào trung tâm xã là cánh đồng màu rộng bạt ngàn với những luống lạc, luống ngô đều tăm tắp. Không khí sản xuất của bà con nơi đây nhộn nhịp và khẩn trương. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, chị Hoàng Thị Múi ở thôn Sui đang tập trung gieo tỉa ruộng lạc của mình, chị cho biết: Đồng đất nơi đây phù hợp với cây lạc nên năm nào gia đình cũng dành 3-4 sào để trồng. Năm trước, gia đình thu gần 4 tạ lạc khô, bán được hơn 8 triệu đồng. Vụ xuân năm nay gia đình trồng hơn 5 sào rau, màu các loại. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên mặc dù gặp thời tiết giá rét nhưng cây trồng vẫn phát triển tốt.
Đồng chí Đinh Xuân Diện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ xuân này, toàn xã gieo trồng 395 ha cây trồng các loại, trong đó có 148 ha lúa, 168 ha lạc, 49 ha ngô, 14 ha khoai sọ, còn lại là các cây trồng khác. Đến thời điểm này, bà con nông dân trong xã đã cơ bản khép kín diện tích. So với cây lúa thì cây màu cho giá trị kinh tế cao hơn từ 1,5-2 lần, thậm chí 4-5 lần. Do vậy, những năm gần đây, Văn Phương luôn duy trì 240-250 ha cây màu trong vụ xuân.
Trong các loại cây trồng thì lạc được xác định là cây trồng chủ lực do các ưu điểm như vốn đầu tư ít và đầu ra tương đối thuận lợi. Hơn nữa đồng đất của Văn Phương vốn bạc màu, cây lạc sẽ giúp cải tạo đất, giảm chi phí mua phân lân, phân đạm cho những vụ tiếp theo. Với năng suất 100-120 kg/sào và giá bán ổn định ở 15-20 nghìn đồng/kg, một sào lạc bà con có thể thu lãi 1-1,2 triệu đồng.
Cây ngô và khoai sọ cũng là 2 loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, bởi hiện nay nhu cầu sử dụng ngô để chế biến thức ăn gia súc rất lớn, còn khoai sọ vốn là cây đặc sản của Nho Quan được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Sui cho biết: Gia đình chị có 6 sào khoai sọ, năng suất bình quân 3 tạ/sào, bán tại ruộng giá 7.000 đồng/kg thì thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ. Có năm khoai được giá, trừ chi phí chị cũng lãi 12 triệu đồng.
Để mở rộng diện tích màu, Văn Phương đã và đang tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa cống đập nhằm chủ động trong tưới tiêu. Bên cạnh đó, việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Ngoài ra, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình thâm canh; đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, như giống lạc L14, L16 đều củ, vỏ mỏng, hạt mẩy; giống khoai sọ ngắn ngày, năng suất cao KS4. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở Văn Phương là vẫn còn 2 thôn Bồng Lai và Xuân Nguyên đang khó khăn về nguồn nước tưới do 2 hồ chứa nước ở đây đã bị bồi lấp, không đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất của bà con, cần sớm được nạo vét, nâng cấp, mở rộng dung tích.
Một vấn đề nữa là để mở rộng diện tích cây khoai sọ, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn trong việc nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về cách để giống khoai sọ. Vì hiện nay đa phần người dân ủ giống bằng phương pháp truyền thống, rải xuống gầm giường hoặc ủ trong cát ẩm nên tỷ lệ thất thoát lên tới 20-30%.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu