Trước đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số cửa hàng, đại lý bán lẻ của các doanh nghiệp Nhà nước nằm chủ yếu ở các tuyến đường chính (QL1A, QL10) gần trung tâm các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ; thì nay mạng lưới "cây xăng" đã lan rộng về các vùng sâu, vùng xa với nhiều thành phần tham gia.
Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 157 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó: Thành phố Ninh Bình có 22 cửa hàng; thành phố Tam Điệp có 17 cửa hàng; huyện Gia Viễn 17 cửa hàng; Hoa Lư 7 cửa hàng; Kim Sơn 26 cửa hàng; Yên Mô 24 cửa hàng; Yên Khánh 22 cửa hàng; Nho Quan 22 cửa hàng. Bình quân trong phạm vi 8,77 km2 có một cửa hàng bán lẻ xăng dầu...
Nhìn chung, các cửa hàng, đại lý thường tập trung bám dọc các trục đường giao thông chính như: QL1A có tới 27 cửa hàng; QL10 có 24 cửa hàng; QL12B có 13 cửa hàng; QL12B kéo dài có 18 cửa hàng; QL45 có 1 cửa hàng; đường DT 477 có 8 cửa hàng; số cửa hàng còn lại nằm trên các tuyến đường liên xã, liên huyện.
Các cửa hàng, đại lý trên thuộc sở hữu của 125 đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó có: 30 đơn vị thuộc loại hình công ty; 88 đơn vị là doanh nghiệp tư nhân; 4 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (công an 1, quân đội 3); 2 đơn vị là HTX; 1 đơn vị là xí nghiệp trực thuộc cơ quan nhà nước.
Thời gian qua, các cửa hàng xăng dầu luôn chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các thiết bị về đo lường đều đảm bảo đúng, đủ và chưa có nơi nào bị các cơ quan chức năng phát hiện gắn chíp điện tử làm sai lệch kết quả đo đếm xăng dầu.
Năm 2015, nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn có 3 đơn vị chính là: Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình (Công ty xăng dầu Hà Nam Ninh-Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) cung ứng được 67.000 m3; Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Ninh Bình (Tổng công ty dầu Việt Nam) 115.000 m3; Chi nhánh công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Nam Định (Tổng công ty dầu Việt Nam) cung ứng được 3.672 m3; ngoài ra còn có 5 công ty ở ngoài tỉnh với sản lượng cung ứng trên 1.600 m3 và 1 công ty tư nhân (Công ty TNHH Hoàng Hà) ở trong tỉnh cung ứng 80.000 m3 xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý.
Như vậy, nguồn cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ, cửa hàng thương nhân nhận quyền thương mại và hộ tiêu dùng công nghiệp... chủ yếu từ 2 đơn vị là Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình và Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Ninh Bình với số lượng chiếm tới 80-90% sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh (năm 2015, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong toàn tỉnh ước khoảng 228.368 m3). Ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn phải nộp thuế bảo vệ môi trường.
Theo Cục Thuế tỉnh, chỉ riêng sắc thuế bảo vệ môi trường, năm 2015 các đơn vị cung ứng xăng dầu đầu mối đóng trên địa bàn tỉnh phải nộp thuế bảo vệ môi trường là 209,9 tỷ đồng; trong đó đã nộp 188,5 tỷ đồng, nợ 21,4 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, thuế bảo vệ môi trường là gần 300 tỷ đồng, nhưng nhiều đơn vị cam kết sẽ nộp vượt chỉ tiêu được giao.
Ông Quách Ngọc Hà, Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Ninh Bình cho chia sẻ: Năm 2015, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá dầu giảm sâu, nhưng PV Oil Ninh Bình vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty giao. Sản lượng tiêu thụ đạt 115.000 m3; nhưng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ có 50.600 m3, chiếm 44% tổng sản lượng.
Ông cũng cho rằng Tổng Cục thuế cần sửa lại Luật Thuế bảo vệ môi trường với sản lượng xăng dầu bán ra cuối cùng ở đâu thì nên nộp thuế bảo vệ môi trường ở đó. Tỉnh và các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý hiệu quả nguồn xăng dầu cung ứng vào địa bàn; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ... ưu tiên lấy hàng của các đơn vị cung ứng đầu mối trên địa bàn tỉnh. Tiến tới thành lập Hiệp Hội xăng dầu tỉnh để các doanh nghiệp có cơ hội, điều kiện đàm phán với nhau thông qua cơ chế mềm.
Đinh Chúc