Xã hội hóa được
hiểu là mọi tầng lớp xã hội bằng nguồn lực của mình cùng chung tay góp sức vào làm một việc cụ thể nào đó cho xã hội, cho đất nước. Theo đó, xã hội hóa công tác TGPL cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào quá trình thực hiện pháp luật về TGPL
để đáp ứng yêu cầu TGPL đa dạng, phong phú của người dân.
Trong kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nêu rõ: "Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức thực hiện TGPL theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp. Tăng cường tự quản nghề nghiệp và đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội trên cơ sở phát triển và kiện toàn hội nghề nghiệp của đội ngũ thực hiện TGPL". Như vậy, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới ngành Tư pháp nói chung và tư pháp Ninh Bình nói riêng gắn với công cuộc cải cách toàn diện hệ thống các cơ quan tư pháp trong giai đoạn hiện nay thì việc TGPL theo hướng xã hội hóa là một đòi hỏi "cần phải được thực hiện từng bước, có lộ trình và điều kiện nhất định"
Luật TGPL năm 2006 đã thể hiện rõ quan điểm xã hội hóa TGPL khi quy định đa dạng hóa các chủ thể thực hiện pháp luật TGPL; trong đó, Trung tâm TGPL làm nòng cốt và thu hút các tổ chức (Công ty luật, Văn phòng Luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật), cá nhân (nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý...) tham gia thực hiện và bảo đảm quyền được giúp đỡ về mặt pháp lý của người được TGPL. Tại Ninh Bình, đã có 11/11 Văn phòng Luật sư đăng ký tham gia TGPL với 10/28 luật sư là cộng tác viên TGPL, 1/3 Trung tâm Tư vấn pháp luật với 7/12 tư vấn viên pháp luật đã đăng ký tham gia TGPL; toàn tỉnh có 87 Cộng tác viên TGPL (gồm: 10 luật sư cộng tác viên; 25 cộng tác viên ở các ngành, đoàn thể của tỉnh; 20 cộng tác viên ở cấp huyện; 32 cộng tác viên ở cấp xã). Trên cơ sở đó năm 2013, Trung tâm TGPL đã ký kết hợp đồng cộng tác với 42 cộng tác viên mới.
Nhìn lại hoạt động TGPL năm 2013 cho thấy công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm tiếp tục được tăng cường với 843 vụ việc với 843 người, trong đó có 285 người nghèo, 245 người có công với cách mạng, 1 người già cô đơn, 56 người tàn tật, 42 người chưa thành niên, 41 người dân tộc thiểu số, 7 phụ nữ bị bạo lực gia đình, 13 trẻ em không nơi nương tựa, 153 người không thuộc diện được TGPL; thực hiện TGPL thuộc các lĩnh vực: hình sự 44, dân sự 138 vụ việc, hôn nhân và gia đình 37 vụ việc , đất đai 272 vụ việc, chính sách 269 vụ việc, hành chính 17 vụ việc, lĩnh vực khác 66 vụ việc.
Hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng được duy trì thường xuyên. Các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư cộng tác viên do Trung tâm cử tham gia trong quá trình tố tụng và giới thiệu, đề nghị Trung tâm cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý (chủ yếu là trẻ vị thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự phạm tội trong vụ hình sự).
Trung tâm đã phối hợp với một số tổ chức đoàn thể, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Tưpháp của các huyện, thành phố, thị xã khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân; đồng thời tổ chức 73 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 56 xã, phường, thị trấn.
Kết quả trên là tín hiệu khởi sắc của TGPL Ninh Bình, góp phần hòa mình vào công cuộc xã hội hóa hoạt động TGPL. Song nếu một số hạn chế trong việc triển khai TGPL như nguồn lực thực hiện còn hạn chế (biên chế và cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Trung tâm TGPL còn khó khăn, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu TGPL của người dân), chưa huy động được lực lượng luật sư, tư vấn viên pháp luật trẻ, có năng lực vững tham gia TGPL, kinh phí chi trả cho hoạt động TGPL còn thấp, chất lượng, hình thức vẫn chưa thật sự tiệm cận nhu cầu của xã hội… không được giải quyết sớm, kịp thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả công tác TGPL trong thời gian tới.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, vấn đề đầu tiên cần khắc phục là kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện pháp luật về TGPL, hướng đến hoạt động TGPL đi vào chiều sâu, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, nhân dân đối với công tác này; tăng cường nguồn lực và kinh phí thực hiện để từ đó thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thể hiện rõ nhất đó là đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế thực hiện TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật - cộng tác viên TGPL Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung… không chỉ được tăng cường về số lượng mà còn được nâng cao chất lượng, chế độ bồi dưỡng.
Vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện xã hội hóa TGPL chính là cái tâm của người làm công tác TGPL, để hoạt động TGPL không chỉ là sự khuyến khích từ phía nhà nước mà còn là sự vận động tự thân của các tổ chức, cá nhân được huy động; mặt khác cần thiết quy định nghĩa vụ TGPL là nghĩa vụ bắt buộc đối với Luật sư (như ở Malaysia, luật sư tập sự bắt buộc phải tham gia tTrợ giúp pháp lý)…
Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL, hướng dẫn, mở rộng và đưa ra quy trình phối hợp cụ thể giữa tổ chức thực hiện TGPL (tập trung nhất là Trung tâm TGPL) với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân tham gia TGPL,… để hướng tới thực hiện xã hội hóa TGPL có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và khả thi.
Đoàn Thị Hằng
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình)