Gia Tường là địa phương có địa hình thấp trũng, nằm trong vùng xả lũ, chậm lũ sông Hoàng Long, độ chênh lệch giữa tây và đông từ 4 - 4,5m, khi có mưa to chịu ảnh hưởng toàn bộ lượng nước từ 2 hệ thống sông Bôi và sông Na đổ về. Vì vậy, xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là ngập úng, lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, vì vậy, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động xã mới, dựa trên cơ sở phương án PCTT&TKCN của huyện Nho Quan trước đây, đồng thời tích hợp các phương án PCTT&TKCN của các địa phương cũ trước sáp nhập, xã đã xây dựng phương án PCTT&TKCN năm 2025 cụ thể, chi tiết, phù hợp để các đơn vị và người dân trên địa bàn triển khai thực hiện.
Theo đó, xã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã; các tiểu ban PCTT&TKCN tại các khu vực và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình xung yếu, có nguy cơ mất an toàn để xây dựng phương án bảo vệ; thống kê, rà soát các hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng để chủ động kế hoạch di dời; bổ sung, hoàn thiện phương án huy động phương tiện, lực lượng, vật tư, hậu cần sẵn sàng phục vụ công tác PCTT&TKCN ở mức cao nhất; thành lập các đội xung kích trực 24/24 giờ tại các thôn, xóm, các trọng điểm, xung yếu, thường xuyên kiểm tra nắm tình hình, thực hiện công tác PCTT&TKCN, hỗ trợ khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra tại khu vực phụ trách trước, trong và sau bão, lụt.
Đến nay, địa phương đã rà soát, lập danh sách lực lượng xung kích tại chỗ ở 31/31 thôn, mỗi thôn có từ 15 người thường xuyên có mặt tại địa phương khi có lụt bão xảy ra; hoàn thiện phương án huy động lực lượng hơn 130 người có dụng cụ cầm tay và phương tiện cứu hộ sẵn sàng tham gia PCTT&TKCN khi có lệnh điều động (chủ yếu là lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ).
Qua rà soát, địa phương có 9,45 km đê sông, chỉ tiêu chống lũ với mực nước sông Hoàng Long tại bến Đế (+5,3 m); 12,5 km đê bao, chỉ tiêu chống lũ tiểu mãn (+3,5m đến + 4m). Các tuyến đê đều được kiên cố hoá, nâng cấp cao trình, bề mặt đổ bê tông chống sạt sở. Tuy nhiên, có 250 m tuyến đê bao Lợi Hà, đoạn qua thôn Phú Cường và Phú Thịnh có cao trình đê (+3,5m), không đủ cao trình chống lũ ở mức (+4m) dẫn đến nguy cơ tràn đê; mái đê khu vực Làn giáp sông Hoàng Long có 355 m bị sạt lở do ảnh hưởng của bão lụt năm 2017 và năm 2018 chưa được khắc phục.
Trên địa bàn xã có 2 tràn xả lũ, trong đó hệ thống chủ động xả lũ tràn Đức Long có chiều dài 200 m, do UBND tỉnh Ninh Bình đầu tư, với kinh phí 90 tỷ đồng, gồm: xây dựng mới tràn sự cố dạng tràn chủ động có cửa van điều tiết, kết hợp cầu giao thông trên tràn; xây dựng đường giao thông phía hạ lưu tràn; xây dựng khu nhà quản lý trung tâm; hệ thống thiết bị đóng mở, chiếu sáng và các hệ thống thiết bị, hạng mục phụ trợ khác. Dự án đang được Liên danh các nhà thầu GT01 tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu tháng 1/2026 hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lưu lượng dòng chảy trên sông Hoàng Long, hạ thấp mực nước lũ, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ cho tuyến đê sông Hoàng Long và giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân các xã vùng dự án khi xảy ra mưa lũ lớn.
Hệ thống cống dưới đê gồm 31 cống, các cống được xây kiên cố bảo đảm an toàn, không bị rò rỉ, trong đó có cống Ngòi Cả, cống Mắt Bạc đã được đầu tư xây mới năm 2024. Tuy nhiên, cống Cao Thắng (nằm trên tuyến đê bao Lợi Hà) được xây dựng trên 20 năm đã xuống cấp, huyện Nho Quan trước đây đã phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa.
Xã hiện có 12 trạm bơm và các điểm bơm, trong đó có Trạm bơm Mắt Bạc và Trạm bơm Cao Thắng đang xây dựng. Các trạm bơm được kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời, trong đó nổi bật có Trạm bơm Kiến Phong có 6 tổ máy với tổng công suất thiết kế 16.800m3/h, cao trình bể xả (+6m); Trạm bơm tiêu Như Phong đã được xây mới gồm 6 máy, tổng công suất 11.700m3/h, và Trạm bơm Đình Thần Luỹ gồm 3 máy, đủ khả năng tiêu úng lượng mưa 200 mm cho 250 ha lúa mùa sớm. Hệ thống kênh tiêu thoát nước và các cống qua kênh đáp ứng tốt cho việc tiêu úng trên diện tích lớn.
Địa phương cũng đã xác định các trọng điểm phòng, chống lũ lụt và các vị trí xung yếu về đê điều, tràn, đập, cống…, nhanh chóng lập phương án bảo vệ theo quy định. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng kiểm tra, tu sửa, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu, hệ thống cống phục vụ tiêu úng; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ, hộ đê cho từng tuyến trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Công tác chuẩn bị vật tư dự trữ được địa phương chủ động sẵn sàng gồm: 150m3 đất, đá, cát; 230 cuốc, xẻng; 87 rọ sắt; 310 áo phao; 485 phao cứu sinh; 9.800 bao tải; 1.100 cọc tre; 1 máy nổ; 10.924m2 bạt phủ chắn sóng; 11 thuyền; 10 xe vận tải trên 5 tấn; 3 máy xúc và nhiều loại vật tư khác. Các vật tư hiện được tập kết tại các vị trí xung yếu hoặc các kho, bãi để phục vụ công tác PCTT&TKCN trên địa bàn xã. Ngoài ra, mỗi hộ dân cũng chuẩn bị sẵn sàng: thuyền, thang, gác, dây buộc, kìm, bao bì và các điều kiện để phòng, chống lụt, bão.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Gia Tường cho biết: Cùng với chuẩn bị chu đáo phương tiện, vật tư dự trữ, địa phương cũng xây dựng phương án bảo đảm hậu cần, y tế, trong đó thành lập các tổ sơ, cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, hoá chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết và thông tin, tuyên truyền đến toàn thể Nhân dân về tầm quan trọng và các yêu cầu nhiệm vụ PCTT&TKCN. Hướng dẫn các biện pháp để từ đó nêu cao ý thức chủ động phòng tránh ngay tại cộng đồng, sẵn sàng ứng phó kịp thời, tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Với phương châm “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, lấy công tác phòng là chính”, xã Gia Tường tập trung bảo đảm an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, giảm thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trong mùa mưa bão năm 2025.