Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống lán trại trồng nấm, chị Xuân cho biết, thời điểm hiện tại, do điều kiện thời tiết nắng nóng nên gia đình tạm nghỉ trồng nấm, tập trung vào tập kết nguyên liệu và mua sắm thêm các thiết bị phục vụ chế biến nấm, sang tháng 8, việc sản xuất lại tiếp tục, kéo dài đến tháng 4 năm sau.
Khi chúng tôi hỏi "cơ duyên" nào dẫn dắt anh chị đến với nghề trồng nấm, chị Xuân tâm sự, năm 2000, qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, vợ chồng chị được biết trồng nấm là một nghề dễ học, dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Trồng nấm còn có nhiều lợi ích khác đó là tận dụng các phế liệu trong nông nghiệp và công nghiệp như rơm, mùn cưa, bã mía, góp phần bảo vệ môi trường và tăng lượng phân hữu cơ sạch cho đồng ruộng...
Từ lợi ích thiết thực đó, anh chị quyết định đầu tư vào nghề nấm. Qua giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Nguyễn Trọng Ngoan, chồng chị đã "cắp sách" theo học nghề ở Yên Khánh do giảng viên của Viện di truyền nông nghiệp về truyền dạy. Học xong khóa học, anh Ngoan về "truyền nghề" cho vợ và đầu tư làm lán trại trên diện tích 30 m2 trong khu vườn của gia đình để thực hành thí nghiệm trồng nấm.
Khởi nghiệp thành công, anh chị quyết định mở rộng diện tích lán trại lên 100 m2. Cùng với đó, anh chị làm thủ tục xin chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 2 vụ của gia đình sang trồng nấm. Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, anh chị đã đầu tư vốn liếng làm lán trại và mở rộng quy mô trồng nấm trên diện tích 1.000 m2. Quá trình vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mô hình trồng nấm của gia đình chị Xuân ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố đến tham quan và động viên, khích lệ. Sau hơn 2 năm, do thành phố thực hiện chủ trương thu hồi đất để triển khai dự án phát triển đô thị nên mô hình trồng nấm trên đất 2 lúa của gia đình anh chị phải dừng lại.
Với quyết tâm duy trì nghề nấm, năm 2008 anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất nấm tại khu vườn của gia đình lên 300 m2 lán trại. 3 năm gần đây, mỗi năm doanh thu từ bán nấm của gia đình chị Xuân đạt khoảng trên 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Vào thời vụ, gia đình tạo việc làm cho một số lao động của địa phương. Hiện nay gia đình chị đang ký hợp đồng bán nấm cho các đầu mối thu mua ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La... Mới đây có cả cơ sở ở nước bạn Lào đặt mua sản phẩm.
Qua trao đổi, chị Xuân cho biết: Trồng nấm dễ mà cũng khó, các công đoạn ủ, vào giống, chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ... Để học và theo được nghề, đòi hỏi phải kiên trì, chăm chỉ và yêu nghề. Cũng từ yêu nghề mà anh chị đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Trọng Ngoan giờ đã trở thành "nghệ nhân" trong nghề trồng nấm, được các ngành, đoàn thể mời đi dạy nghề cho bà con nông dân ở nhiều vùng quê trong tỉnh. Mới đây anh được bầu là Phó Chủ tịch Hiệp hội nấm tỉnh Ninh Bình.
Tiếng lành đồn xa, nhiều lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng nấm của gia đình chị Xuân. Đối với những người có nhu cầu học nghề, anh chị đều sẵn sàng giúp đỡ và tư vấn, dạy nghề miễn phí. Những người ở xa, anh chị tạo điều kiện ăn nghỉ lại tại gia đình. Đến nay, có khoảng hơn 20 người được anh chị truyền nghề, trở về địa phương đã áp dụng và đầu tư trồng nấm thành công.
Minh Châu