Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết: Trước khi xây dựng cơ nghiệp cho gia đình, ông đã công tác ở HTX gần 14 năm, khi đó gia đình ông gặp nhiều khó khăn, do nhà đông người mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, làm lụng suốt ngày cũng không đủ ăn, chứ nói gì đến việc làm giàu. Năm 1992, UBND xã Yên Phong có chủ trương giao khoán những diện tích đất trũng cho nông dân phát triển kinh tế hộ.
Được tạo điều kiện và tạo hướng làm ăn, ông đã mạnh dạn đấu thầu 7.800 m2 đất khu ngoài đê, thùng đào, thùng đấu, cần được khai hoang phục hóa. Qua tìm hiểu ông luôn ấp ủ mơ ước tạo dựng cho mình một trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC, vừa tạo việc làm cho gia đình và một số lao động nhàn rỗi ở địa phương; tạo thêm thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Nhưng khi đó vốn chưa có nhiều, điều kiện đồng đất không cho phép để đi ngay vào xây dựng mô hình VAC, do vậy ông đã xin xã cho mở lò gạch thủ công, lấy gạch xây chuồng trại, đồng thời tạo vốn. Ông đã đầu tư xây hai lò đốt, mua các máy sản xuất gạch. Xưởng gạch của ông tạo việc làm cho trên 20 công nhân với mức lương 30.000 - 40.000 đồng/người/ngày. Mỗi ngày cho ra từ 8.000 đến 10.000 viên gạch, sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy. Thu nhập bình quân từ đóng gạch mang lại cho gia đình ông trên 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo quy hoạch những lò gạch làm theo phương pháp thủ công đều phải đóng cửa để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Ông chuyển sang mô hình chăn nuôi. Ông cho biết, năm 2003 sau khi đã có đủ điều kiện xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá, ông đã xin xã cho làm mô hình VAC kết hợp theo hình thức khép kín, nuôi lợn nái, lợn non nuôi thành lợn thịt xuất bán ra thị trường. Chất thải từ chăn nuôi lợn ông tận dụng để nuôi cá. Mỗi năm ông nuôi từ 60 đến 150 con lợn, cung cấp đủ thức ăn cho 1,3 mẫu ao cá với nhiều loại cá khác nhau phù hợp với từng tầng nước.
Thu nhập từ nuôi lợn và cá đem lại cho gia đình ông trên 70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, thị trường biến động giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn thịt bán ra thấp, nhu cầu thịt lợn trên thị trường giảm. Trong thời gian này ông chỉ nuôi 60 con lợn để cung cấp thức ăn cho cá, nuôi lợn không thì lỗ nhưng kết hợp với nuôi cá thì có thể gỡ lại phần nào.
Với sự nỗ lực vượt khó, ông Hoàng Văn Tác đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang với mô hình chăn nuôi khép kín, tạo điều kiện cho con cái ăn học, tạo ra việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động.
Bài, ảnh: Hương Giang