"Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo của huyện Gia Viễn. 19 tuổi, tốt nghiệp THPT, tôi vào quân ngũ. Sự lựa chọn ấy đã nằm trong tim tôi từ rất lâu rồi. Hình ảnh những chiến sỹ ngoài đảo xa, chắc tay súng, vững chí, bền lòng bảo vệ Tổ quốc, hay những câu chuyện cảm động về người lính mà bố tôi, một bệnh binh có ngót chục năm chiến đấu ở chiến trường kể lại đã thực sự hun đúc trong tôi một tình yêu sâu nặng với nghiệp nhà binh. Sau một thời gian huấn luyện, tôi được điều ra làm thủy thủ tại Hải đoàn 129 Hải Quân. Lần đầu xa nhà, nỗi nhớ người thân, nhớ những bữa cơm rau đạm bạc mẹ nấu… cứ cồn cào mãi trong tôi, có những thời khắc tưởng chừng tôi không thể vượt qua được nỗi cô đơn ấy. Vậy mà cũng đã ngót 20 năm tôi gắn bó với vùng biển, vùng trời của quê hương. Với tôi, biển thực sự đã là ngôi nhà yêu thương của mình. Đồng đội, đồng chí chính là người thân để tôi chia ngọt, sẻ bùi… Có được bản lĩnh vững vàng của ngày hôm nay chính là nhờ có sự động viên, khích lệ của mẹ- người phụ nữ quan trọng của cuộc đời tôi… " - Trung úy Nguyễn Thành Giang, thủy thủ Hải đoàn 129 đã chia sẻ với chúng tôi qua vài phút trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại trước khi anh xuống tàu, bắt đầu một chuyến công tác mới. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Giang, bà Thiệu mẹ anh đang lật dở xem lại quyển album lưu giữ những tấm hình của các con. "Tôi sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái. Thế mà bây giờ, khi các con đã trưởng thành, tôi chỉ biết nhìn chúng qua hình thôi. Tuy vậy, tôi vẫn rất tự hào vì các con mình đang làm nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển, trời cho Tổ quốc"- người phụ nữ tần tảo ấy nói.
Bà Trần Thị Thiệu nguyên là giáo viên của trường tiểu học Thị trấn Me. Sau 38 năm đứng trên bục giảng, nay bà đã về nghỉ hưu. Chồng bà là ông Nguyễn Quảng Nam, bệnh binh mất trên 61% sức khỏe. Ông Nam đã rời xa bà về cõi vĩnh hằng từ cuối năm ngoái. Bà Thiệu kể, trước đây, để có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học, ngoài dạy học, bà Thiệu còn cấy thêm 6 sào ruộng. Vào vụ cấy, cứ một buổi bà lên lớp, một buổi bà đi làm đồng. Những hôm dạy tiết chiều, khi hết giờ bà lại tranh thủ đi nhổ mạ, trời nhọ mặt người mới trở về nhà.
Đêm đêm, bà phải thức khuya hơn để soạn giáo án. Chồng bà sức khỏe yếu nên chỉ động viên vợ con thôi chứ cũng không giúp được gì. Cuộc sống tuy khó khăn, song ông bà luôn động viên nhau phấn đấu tạo điều kiện tốt nhất cho các con ăn học. Hiểu vất vả của mẹ cha, các con bà Thiệu đều chăm ngoan, hiếu học. Người con trai thứ 2 của bà Thiệu là anh Nguyễn Văn Sơn cũng theo bước anh trai vào quân ngũ. Hiện, anh Sơn đang là chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1. Người con gái út đã lập gia đình. Thành thử, mọi việc lớn nhỏ trong nhà một tay bà Thiệu phải lo. Bà trầm ngâm, ngày chuẩn bị cưới cho con trai thứ 2, sức khỏe của nhà tôi yếu đi nhiều. Song, ông ấy vẫn động viên tôi vào trong Nam để lo liệu đám cưới cho con đỡ tủi thân. Đúng ngày cưới con, thì ở quê chồng tôi bị cảm nặng. Không để các con phải lo lắng, sau đám cưới, tôi viện lý do để về nhà ngay. Về đến nhà, tôi đưa ông ấy đi bệnh viện. Bị ốm nặng, song ông ấy dặn tôi là không được báo cho các con, vì sợ làm ảnh hưởng đến công việc của các con.
Nhưng cũng chỉ được vài ngày nằm viện là ông ấy ra đi mãi mãi. Điện thoại cho con lớn là Nguyễn Thành Giang không được vì con đang đi biển, gia đình đành nhờ đơn vị báo tin cho con. Vài ngày sau, Giang mới điện được về nhà. Qua điện thoại, con khóc nức nở vì chưa tận hiếu được với cha. Con trai thứ hai là Nguyễn Văn Sơn và vợ mới cưới còn vài ngày nghỉ trong đợt nghỉ phép để lập gia đình đã về lo việc cho cha. Xong việc, các con lại vội vàng trở về đơn vị, chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo.
Hiện nay, vợ của Trung úy Nguyễn Thành Giang là chị Nguyễn Thị Thơm đang là công chức của xã Gia Lâm (huyện Nho Quan). Vì công tác xa nhà, con còn nhỏ nên chị Thơm phải ở nhà bố mẹ đẻ ở xã Gia Lâm. Thương mẹ chồng, thỉnh thoảng chị lại về ăn với mẹ bữa cơm trưa. Vừa tranh thủ trò chuyện, sửa sang lại cho mẹ vài thứ, hái sẵn cho mẹ từng mớ rau vườn rồi chị Thơm lại mải mốt đi làm. Chị Thơm bùi ngùi: ở quê chỉ còn 3 mẹ con, bà cháu. Tôi chỉ mong muốn được chuyển công tác về gần để mẹ con, bà cháu được bầu bạn sớm tối, để tôi được thay chồng, thay em phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già.
Bài, ảnh: Đào Hằng