Với phóng viên Phòng bạn đọc, công việc của chúng tôi khá âm thầm và ít nhiều có những nỗi niềm riêng. Làm việc ở bộ phận này, phóng viên chủ yếu viết, điều tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân. Khác với phóng viên theo dõi ngành, phóng viên Phòng Bạn đọc rất dễ gặp chuyện thị phi, bởi những đề tài mình được giao, hay theo đuổi, thường thuộc lĩnh vực nhạy cảm Anh em trong phòng thường có tâm trạng lo lắng khi được Ban Biên tập giao đơn để giải quyết. Nhiều câu hỏi được đặt ra, giải quyết đơn thư này từ đâu, giải quyết như thế nào để đảm bảo đúng luật, khách quan và đúng sự thật.
Qua một số năm làm công tác bạn đọc, thường xuyên phải tiếp xúc, trả lời, giải thích cho những người có đơn thư; đa phần họ là người tốt, muốn phản ánh với cơ quan báo chí những vấn đề bức xúc ở cơ sở; tuy nhiên không ít người gửi nhiều đơn thư nhưng đơn thư không có căn cứ giải quyết. Khi không được giải quyết thỏa đáng họ có thể khiếu kiện lại vì đơn thư không được giải quyết theo luật. Đây cũng là cái khó, khổ của người làm công tác bạn đọc ở báo tỉnh.
Những người là đối tượng được đề cập trong đơn thư khiếu nại - tố cáo, ai cũng có xu hướng nói tốt cho mình và giấu đi những điều không có lợi cho họ. Vì thế, phóng viên bạn đọc chúng tôi luôn phải nghi nhận để kiểm chứng, giữ "cái đầu lạnh, trái tim nóng" để tìm ra sự thật, tìm ra mấu chốt của vấn đề. Việc xác minh, kiểm chứng phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, thông qua nhiều nguồn tin nên để có được một bài viết trên mặt báo, hoặc trả lời một vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo phóng viên Phòng Bạn đọc tốn khá nhiều công sức vì phải liên hệ, gặp gỡ, thu thập từ nhiều nguồn tin khác nhau mới đạt được mục đích.
Thông thường, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các bên (người đi khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo) sẵn sàng "bồi dưỡng" cho các nhà báo để " Nhà báo "nói lên những điều có lợi cho họ nhưng thú thật, chúng tôi có lẽ chẳng ai dám nhận vì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Khi đã vào cuộc để giải quyết đơn thư phóng viên bạn đọc phải luôn tỉnh táo để những câu nói, việc làm bên ngoài không tác động đến suy nghĩ, cách viết của mình. Luôn phải giữ sự khách quan trong bài viết.
Chúng tôi luôn xác định, mục đích bài viết là phải có tính xây dựng chứ không đả phá, đả kích cá nhân, tổ chức, công dân và không để mình trở thành "công cụ" bị lợi dụng trong các vụ khiếu nại, tố cáo thậm chí là "đánh, đấm" nhau mà không có căn cứ. Các vụ việc, tùy thuộc vào mức độ để phản ánh, có như nào nói như vậy, không thêm bớt. Đặc biệt đối với những bài viết giải quyết đơn thư không được nên giật mang tính giật gân câu khách. Bài viết cần thể hiện quan điểm trung lập, tôn trọng sự thật.
Quá trình làm ở Phòng Bạn đọc chúng tôi đã giải quyết không ít đơn thư; tuy không hoàn hảo nhưng có khá nhiều bài được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết thấu đáo khiến người dân hài lòng. Công việc nhiều, nhân lực lại thiếu; song phóng viên Phòng Bạn Đọc luôn cảm thấy tự hào với trách nhiệm của những người cầm bút.
Ngoài ra, nhờ cách viết khách quan, phản ánh đúng sự thật nên phóng viên bạn đọc lấy được niềm tin của người đọc. Điều đó thể hiện qua số lượng lớn đơn thư mà Bạn Đọc gửi cho Tòa soạn. Không gì sung sướng hơn tác phẩm của mình được dư luận đồng tình, được Ban Biên tập ủng hộ những lúc như thế, niềm vui như được nhân lên để rồi chúng tôi lại tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc được giao, để cùng đồng hành với bạn đọc.trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, để báo chí luôn là kênh thông tin quan trọng, được nhân dân tin tưởng và yêu mến.
Trần Dũng